Ngân hàng - Bảo hiểm
Fed tăng lãi suất không tác động quá lớn đến ASEAN
Nam Phương - 05/06/2017 10:28
Ông Edward Lee, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp tăng lãi suất không tác động quá lớn đến các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Ông Edward Lee, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered

Ông dự báo như thế nào về mặt bằng lãi suất trong năm nay của khu vực ASEAN?

Đầu năm 2017, đa số chuyên gia kinh tế khá bi quan về thị trường tài chính toàn cầu, vì khi đó, Mỹ vừa có Tổng thống mới, Fed dự định tăng lãi suất và nhiều nước châu Âu tổ chức bầu cử.

Tuy nhiên, sau gần nửa năm, những lo ngại đó đã giảm bớt, khi chứng khoán Mỹ tăng kỷ lục, chính sách của Tổng thống Mỹ không quá thổi phồng như dự đoán và các nước ASEAN tiếp tục tăng trưởng tốt.

Tôi tin rằng, sau lần tăng lãi suất lên 1% vào tháng 3/2017, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 2 lần nữa, lên 1,4%, trong khoảng thời gian từ nay đến hết năm 2017.

Có lo ngại rằng, việc Fed tăng lãi suất 3 lần trong năm nay sẽ gây áp lực lên tỷ giá và lợi tức trái phiếu của các quốc gia ASEAN, khiến ngân hàng trung ương các nước này phải nâng lãi suất theo Mỹ. Thực tế, điều quan trọng là, chính các nước ASEAN cũng cần nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo tôi, lạm phát cơ bản ở ASEAN vẫn ở mức chấp nhận được và thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục ổn định, nên các ngân hàng trung ương tại đây sẽ giữ nguyên lãi suất trong ít nhất 6 tháng tới.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, nhưng có vẻ tác động của AEC đến kinh tế khu vực vẫn chưa đáng kể. Ông có nhận xét gì về thực trạng này?

Đúng là AEC chưa tạo ra được cú hích lớn đến kinh tế khu vực như mong đợi, nhưng tôi không cảm thấy thất vọng về điều này.

Thực tế, dù gần nhau về mặt địa lý, song các nước ASEAN có rất nhiều khác biệt về kinh tế, luật pháp, thuế quan… AEC đã góp phần gỡ bỏ các loại thuế xuất nhập khẩu, nhưng còn nhiều hàng rào phi thuế quan mà các quốc gia trong khu vực cần giải quyết. Việc đồng bộ hóa các tiêu chuẩn về hàng hóa, dịch vụ và lao động cũng sẽ mất nhiều thời gian.

Vì vậy, AEC không phải là kết quả sau cùng, mà mới chỉ là bước khởi đầu cho quá trình hội nhập còn rất dài của ASEAN.

Ông đánh giá thế nào về kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm nay.

Tôi kỳ vọng, ngành sản xuất sẽ sớm hồi phục nhờ nhu cầu toàn cầu tốt hơn, thể hiện qua việc Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 và tháng 4/2017 đạt 54,6 và 54,1 điểm, cao nhất trong vòng 22 tháng qua. Ngành xây dựng cũng sẽ tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng tăng cao.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chảy mạnh vào Việt Nam, đặc biệt từ các quốc gia Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/5/2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà đầu tư nước ngoài hào hứng với Việt Nam không chỉ vì xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mà còn để “đón đầu” xu hướng tiêu dùng của Việt Nam. Theo nghiên cứu của chúng tôi, các ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng trưởng ít nhất 10%/năm trong những năm tới, do tầng lớp trung lưu ngày càng đông và có nhu cầu cao đối với nhiều loại hình dịch vụ mới.

Tin liên quan
Tin khác