Điểm nhấn các lễ hội truyền thống Huế
Chiều 26/4, BTC Festival Huế 2018 đã tổ chức Họp báo công bố Khai mạc Festival Huế. Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng BTC Festival Huế 2018 cho biết Festival Huế 2018 sẽ có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản”.
Festival diễn ra từ ngày 27/4/2018 đến hết ngày 02/5/2018, được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (1993-2018); 15 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (2003-2018).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung chủ trì buổi họp báo |
Festival Huế 2018 quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam với 15 nhà hát, đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ Việt Nam; cùng với 24 đoàn nghệ thuật đến từ 19 quốc gia trên thế giới (hâu Á: 9 quốc gia, gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Sri Lanka, Mông Cổ, Israel và Việt Nam; châu Âu: 7 quốc gia, gồm: Pháp, Bỉ, Nga, Slovakia, Đan Mạch, Ba Lan, Tây Ban Nha; châu Mỹ: 2 quốc gia, gồm: Colombia và Mexico; châu Đại dương có Australia và châu Phi có Maroc).
Tổng cộng có 1.296 nghệ sĩ (trong đó có 388 nghệ sĩ quốc tế, 398 nghệ sĩ trong nước, 510 diễn viên không chuyên trong tỉnh) tham gia biểu diễn 38 chương trình nghệ thuật với nhiều loại hình phong phú, đa sắc màu ở các sân khấu trung tâm thành phố và các huyện thị trong tỉnh. Nhiều nghệ sĩ có mặt tại Festival lần này là những gương mặt rất nổi tiếng trên thế giới, tên tuổi và tài năng của họ là hiện tượng độc đáo cho bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng như để lại dấu ấn của nghệ thuật đương đại.
Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế - thành viên BTC Festival Huế 2018 cho biết, tại Festival Huế lần này, những lễ hội mang màu sắc cung đình, những lễ hội mới đậm nét truyền thống Huế, Việt Nam tiếp tục là những điểm nhấn quan trọng tại Festival Huế 2018.
Các chương trình, lễ hội chính tại Festival Huế 2018
Bên cạnh các chương trình chính, sẽ có các sự kiện, chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, các hoạt động văn hóa cộng đồng, hoạt động triển lãm, các hoạt động hưởng ứng phong phú do các tổ chức xã hội, các hội văn học nghệ thuật, kể cả cá nhân nghệ sĩ tự tổ chức ngày càng nhiều.
Festival 2018 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn nổi bật bên cạnh những chương trình chính. |
Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên 37 hoạt động như thế sẽ diễn ra tại Festival Huế 2018 như Hội thảo Khoa học Quốc tế, Hội chợ Thương mại Quốc tế, Liên hoan và các hình thức giới thiệu ẩm thực Huế, ẩm thực Việt, ẩm thực chay; các Lễ hội Diều, lễ hội thiếu nhi Sắc màu tuổi thơ, các lễ hội ở các làng quê Hương xưa Làng cổ, Chợ quê ngày hội, Sóng nước Tam Giang, Thuận An Biển gọi… Hàng chục cuộc triển lãm, trưng bày nghệ thuật, cổ vật, hoa, các hoạt động thể thao đa dạng cùng các hoạt động tương tác với du khách, chương trình diễn nghệ thuật của các nhóm nhạc và các câu lạc bộ tại các tuyến phố đi bộ.… Các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, từ Lăng Cô - Vịnh đẹp Thế giới, đến vùng cao A Lưới, Nam Đông và vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai.
Theo Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế Huỳnh Tiến Đạt: “Những kỳ Festival Huế, kể cả Festival nghề truyền thống thường trùng hợp với Festival pháo hoa Đà Nẵng. Tuy nhiên, đối tượng của mỗi loại hình luôn khác nhau, chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của khán giả. Về trách nhiệm của BTC, chúng tôi luôn quan tâm và nỗ lực để giữ thương hiệu, tạo sức hấp dẫn, đó là trách nhiệm và lương tâm của nhà tổ chức. Qua các kỳ Festival, chúng tôi nhận xét, công chúng và du khách thường tranh thủ trong một thời điểm diễn ra, hoặc lựa chọn lễ hội này hoặc lễ hội kia. Đặc biệt, du khách về dự hội có thể tranh thủ để cùng lúc tham dự nhiều nhất các hoạt động ở cả 2 sự kiện như một cơ hội. Mặt khác, công chúng Đà Nẵng có thể về Huế xem chương trình Festival quốc tế, và ngược lại công chúng Huế có thể vào Đà Nẵng xem pháo hoa.”
Lịch trình chi tiết:
Lễ Khai mạc: 20h00 ngày 27/4/2018 tại Quảng trường Ngọ Môn.
Lễ Tế Giao: 03h00 ngày 27/4/2018 tại Đàn Nam Giao.
Chương trình nghệ thuật “Văn hiến Kinh kỳ”: 19h15 – 21h15 ngày 28/4 & 30/4/2018 tại Đại Nội Huế.
Dạ tiệc Hoàng Cung: 18h00-19h30 ngày 27/4; 19h00 – 21h00 các ngày 28/4 – 01/5/2018 tại Duyệt Thị Đường – Đại Nội.
Lễ hội Đường phố “Sắc màu văn hóa”: 16h00 các ngày 28/4 – 01/5/2018 trên các tuyến phố chính:
Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn Toàn quốc năm 2018: từ 19h00 các ngày 26 – 29/4/2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh.
Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn: 19h00 – 21h00 ngày 28/4/2018 tại Phu Văn Lâu.
Chương trình nghệ thuật “Âm vọng sông Hương”: 20h00 ngày 29/4/2018 tại Ngã ba sông Đông Ba - Công viên Trịnh Công Sơn.
Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin”: 20h00 ngày 01/5/2018 tại Công viên Cầu Dã Viên.
Chương trình Áo dài “Huế vàng son”: 20h00 ngày 01/5/2018 tại Bia Quốc Học.
Lễ Bế mạc: 20h00 ngày 02/5/2018 tại Quảng trường Ngọ Môn.