Sacombank hé lộ ý định đầu tư vào Bamboo Airways
Sacombank đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý để đầu tư vào Bamboo Airways. Đây là thông tin được tiết lộ tại Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ 3 của Bamboo Airways vào sáng ngày 15/09.
Sacombank đang làm các bước trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để tham gia đầu tư vào Bamboo Airways. |
Tại Đại hội, ông Phan Đình Tuệ, Thành viên HĐQT Bamboo Airways chia sẻ Sacombank đã có chủ trương tham gia đầu tư vào hãng này và đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận.
Hiện Sacombank cũng đang là chủ nợ lớn nhất của hãng hàng không này. Còn ông Tuệ từng làm Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ năm 2012 và hiện vẫn giữ vai trò thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Ông Tuệ cho biết, Sacombank đang là tổ chức tín dụng tham gia tài trợ và rất quan tâm đến quá trình tái cấu trúc của Bamboo Airways.
Theo vị này, Sacombank đã có chủ trương thống nhất về việc đầu tư vào Bamboo Airways, nhưng vì là định chế tài chính, cấp tín dụng nên việc đầu tư ngoài ngành cần tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật.
"Sacombank đang làm các bước trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để tham gia đầu tư vào Bamboo Airways. Chủ trương đã có, tuy nhiên cần sự phê duyệt của cơ quan chức năng, ngân hàng này đang xúc tiến các hoạt động để làm việc với các cơ quan chức năng để đầu tư vào Bamboo Airways”, ông Tuệ thông tin.
FPT nhận sản xuất gần 70 triệu chip, chưa có kế hoạch IPO ở Mỹ
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tiết lộ, FPT đã nhận đơn hàng gần 70 triệu chip tới năm 2025, đồng thời hướng tới việc mở rộng ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và đào tạo kỹ thuật. Theo ông, đạo luật mới của Mỹ đã mở ra hàng loạt cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn.
Ông Bình cho biết FPT có thể đưa hoạt động sản xuất chip của mình về Việt Nam trong vòng 5 năm tới |
FPT đang là công ty công nghệ lớn nhất với tổng vốn hóa thị trường 5,2 tỷ USD. Đây là tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ AI, đám mây (cloud) và dữ liệu lớn (big data) cho khách hàng ở 29 quốc gia, đồng thời cũng đang tăng trưởng ở mảng thiết kế chip và giáo dục.
FPT nằm trong số ít doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị kinh doanh với các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ nhân dịp Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam vào đầu tuần này.
Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết ,Việt Nam có thể xây dựng vị thế lớn mạnh trong lĩnh vực AI. Ông cũng tin rằng Việt Nam nói chung và FPT nói riêng có thể tăng trưởng nhanh hơn ở lĩnh vực kỹ thuật số.
FPT vừa ký thỏa thuận hợp tác với công ty Mỹ Landing AI để nâng khả năng đào tạo. Họ cũng tham gia đàm phán với gã khổng lồ Nvidia và các công ty Việt Nam khác để ứng dụng AI vào lưu trữ đám mây, y tế và các ứng dụng khác.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại trụ sở FPT Hà Nội, ông Bình cho biết “các cơ hội mới” phần lớn nằm ở lĩnh vực bán dẫn nhờ Đạo luật CHIPS mà Mỹ thông qua trong năm ngoái. Chủ tịch FPT đánh giá đạo luật mới của Mỹ là “yếu tố làm thay đổi cuộc chơi” nhờ tạo ra điều kiện cho các công ty nước ngoài mở rộng (trừ Trung Quốc) và việc Mỹ cam kết thúc đẩy lĩnh vực chip của Việt Nam đã xác nhận cho chuyện đó.
FPT trước đó công khai đơn hàng 25 triệu chip cho tới năm 2025, nhưng ông Bình còn tiết lộ tổng đơn đặt hàng lên tới 67 triệu chip và đến từ các khách hàng ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhiều khách hàng hoạt động trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều loại thiết bị điện tử khác.
Trái ngược với thông lệ lắp ráp sản phẩm tại Việt Nam của nhiều doanh nghiệp công nghệ quốc tế, FPT có chip được thiết kế sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan - được đánh giá là một dạng chuỗi cung ứng đảo ngược so với “gã khổng lồ” điện tử Hàn Quốc Samsung, vốn lắp ráp khoảng một nửa số điện thoại thông minh ở Việt Nam.
Ông Bình cho biết thêm, FPT có thể đưa hoạt động sản xuất chip của mình về Việt Nam trong vòng 5 năm tới vì ông nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng và khả năng đầu tư nước ngoài cho việc xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên của Việt Nam.
Khi được hỏi về dự định mở rộng, ông Trương Gia Bình cho biết FPT hiện chưa có ý định IPO tại Mỹ. “Có lẽ một ngày nào đó”, ông Bình nói thêm nhưng nhấn mạnh rằng ông chưa thấy mục đích rõ ràng cho việc đó vào lúc này.
Doanh thu tại Mỹ của FPT là vào khoảng 250-300 triệu USD mỗi năm và công ty hiện đặt mục tiêu nâng doanh thu lên 1 tỷ USD trước 2030. Ông Bình lưu ý rằng khả năng niêm yết tại Mỹ chỉ có thể được xem xét khi FPT đạt được quy mô lớn hơn và tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng.
VinFast muốn xây nhà máy ở Indonesia
VinFast lên kế hoạch mở rộng thêm ở 7 thị trường khác ở châu Á, trong đó có cả Indonesia. Hãng xe điện Việt Nam đặt mục tiêu giao xe từ năm 2024 và có thể xây nhà máy tại đây vào năm 2026.
VinFast muốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia |
Trong một hồ sơ gần nhất gửi tới Sở giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), VinFast muốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia trong dài hạn. Trong số này, 200 triệu USD dự kiến được dùng để xây dựng nhà máy tại đất nước châu Á này và có thể sản xuất 30.000 – 50.000 xe/năm.
Indonesia hiện có 270 triệu dân và là một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Quốc gia châu Á này đang nỗ lực thu hút các nhà sản xuất xe điện toàn cầu và có nguồn cung niken dồi dào - nguyên liệu chính để sản xuất pin xe điện.
Nhà máy ở Indonesia sẽ là nhà máy thứ 3 của VinFast bên cạnh nhà máy chính ở Việt Nam và 1 nhà máy mới khởi công ở Mỹ. Được biết, nhà máy mới ở Mỹ dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.
Indonesia cũng là quốc gia được bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc VinFast Auto Pte. Ltd, nhắc đến tại tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN ở Jakarta hồi đầu tháng này.
Bà Thuỷ cho biết Indonesia, đất nước giàu nickel (kim loại quan trọng trong sản xuất pin xe điện) và sở hữu ngành sản xuất pin lớn ở Đông Nam Á. Theo bà, đây là một lý do để lạc quan về ngành xe điện ở ASEAN.
Đức Giang, Gemadept, Hải An, Thiên Long trong danh sách tốt nhất châu Á của Forbes
Danh sách Forbes Asia’s Best Under A Billion (doanh nghiệp có doanh thu dưới một tỷ USD tốt nhất châu Á) năm 2023 vừa được công bố, tôn vinh 200 công ty niêm yết vừa và nhỏ trong khu vực châu Á đã đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng bất chấp những trở ngại toàn cầu như lạm phát và chi phí vốn tăng cao.
Các đại diện của Việt Nam trong Danh sách Forbes Asia’s Best Under A Billion |
Việt Nam có 4 đại diện góp mặt trong danh sách Forbes Asia’s Best Under A Billion năm nay bao gồm: CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC), CTCP Gemadept (GMD), CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) và CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG). Doanh thu của các công ty trên lần lượt là 617 triệu USD, 167 triệu USD, 137 triệu USD và 150 triệu USD.
Danh sách năm nay tập trung vào sản xuất chip và các ngành liên quan. Chất bán dẫn xuất hiện trong các vật dụng hàng ngày như điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng và ô tô, nhu cầu về chất bán dẫn đã tăng vọt trong ba năm qua với việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thị trường chất bán dẫn dự kiến sẽ giảm đi phần nào trong năm nay do gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Những công ty khác trong danh sách năm nay còn bao gồm các công ty cung cấp giải pháp CNTT làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hậu cần và sản xuất cũng như các ngành công nghiệp khác.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dựa vào chi tiêu của người tiêu dùng như nhà hàng, giải trí và thể thao, tiếp tục ghi nhận doanh số bán hàng tăng lên khi các hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ. Danh sách năm nay bao gồm 58 người công ty đã góp mặt từ năm trước.
Vietjet và Boeing chốt kế hoạch giao tàu bay
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam, Vietjet Air và Boeing đã đạt được những thống nhất cấp cao giữa hai bên.
Boeing và Vietjet thống nhất hợp tác xây dựng Việt Nam thành trung tâm cung cấp các dịch vụ hàng không |
Vietjet và Boeing thống nhất bổ sung các nội dung của hợp đồng đặt mua 200 tàu bay 737 Max trị giá 25 tỷ USD sẽ được giao trong 5 năm tới. Đây là những tàu bay được coi là an toàn, tiện nghi, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường hàng đầu thế giới. Dự kiến 12 tàu bay đầu tiên sẽ được giao cho Vietjet trong năm 2024.
Boeing và Vietjet thống nhất hợp tác xây dựng Việt Nam thành trung tâm cung cấp các dịch vụ hàng không về đào tạo huấn luyện, sửa chữa bảo dưỡng cho Việt Nam và quốc tế. Hai bên cũng phối hợp trong việc ứng dụng các công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, công nghệ hàng không, nhiên liệu xanh, giảm thiểu khí thải theo những tiêu chí hàng không bền vững.
Song song là các hỗ trợ phát triển hạ tầng hàng không, nâng cao năng lực vận hành sân bay, quản lý bay. Đồng thời, Boeing thúc đẩy Việt Nam tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing về sản xuất tàu bay và các thiết bị hàng không.