Sức khỏe doanh nghiệp
FPT: Mục tiêu lãi 7.618 tỷ đồng, trở thành đối tác của các khách hàng triệu USD
Hà Tâm - 18/03/2022 08:10
Công ty cổ phần FPT (HOSE:FPT) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 20,4%, chia cổ tức 20% bằng tiền mặt, 20% bằng cổ phiếu và chi 4.000 tỷ đồng đầu tư cho mảng viễn thông, công nghệ, giáo dục.

 

FPT muốn trở thành đối tác chiến lược trong hành trình chuyển đổi số của các  khách hàng triệu đô trên toàn cầu.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên vừa được công bố, năm nay, ban lãnh đạo FPT đặt mục tiêu doanh thu 42.420 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2021. Trong đó, khối công nghệ doanh thu tăng 21,1%, khối viễn thông tăng 14,8%, khối giáo dục và còn lại tăng 32,5%. Lợi nhuận năm nay dự kiến đạt 7.618 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2021.

Kết thúc năm 2021, công ty đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 35.657 tỷ và 6.337 tỷ đồng, tăng 19,5% và 20,4% so với cùng kỳ, đều vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Về cổ tức, FPT trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2021 là 20%, trong đó 10% đã hoàn tất chi trả năm 2021, 10% còn lại sẽ chi sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt, dự kiến trước khi kết thúc quý III/2022.

Công ty cũng đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% (5:1) từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty mẹ. Phương án này sẽ được thực hiện cùng thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền mặt còn lại của năm 2021, sau khi được ĐHCĐ phê duyệt.

Năm 2022, FPT đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, mức chia cổ tức bằng tiền mặt của cả năm 2022 sẽ do ĐHĐCĐ năm 2023 quyết định.

Về chiến lược giai đoạn 2022 – 2024 và Tầm nhìn 2030, FPT cho biết sẽ chú trọng vào lợi nhuận, năng suất và đổi mới hướng tới mục tiêu lớn, dài hạn là trở thành doanh nghiệp số và đứng trong Top 50 Công ty hàng đầu thế giới về cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030.  

Tại thị trường nước ngoài, FPT sẽ tập trung xây dựng năng lực tư vận, phát triển các giải công nghệ để hoàn thiện các giải pháp số cho khách hàng. Tập đoàn ưu tiên phát triển nguồn nhân lực không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở Ấn Độ, Philippines, Slovakia, Czech, Canada, Costa Rica, Colombia, Nhật Bản… Đồng thời,  mở rộng đầu tư tại các thị trường mới. Từ đó, đưa FPT trở thành đối tác chiến lược trong hành trình chuyển đổi số của các  khách hàng triệu đô trên toàn cầu.

Năm 2022, công ty dự kiến chi phí đầu tư 4.000 tỷ đồng. Trong đó khối viễn thông có giá trị đầu tư lớn nhất 2.000 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bổ sung một tuyến trục để đảm bảo hệ thống tuyến trục nội địa, tiếp tục nâng cấp chất lượng hạ tầng mạng nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu.

Về công nghệ, FPT dự kiến đầu tư 1.200 tỷ đồng vào khối kinh doanh này, tiếp tục mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…

Ngoài ra, công ty dự kiến đầu tư 800 tỷ đồng vào khối giáo dục và hoạt động kinh doanh khác, trong đó sẽ đầu tư mở rộng các khuôn viên giáo dục tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định; đưa vào hoạt động 2 điểm trường phổ thông mới tại Bắc Ninh, Hải Phòng; tiếp tục hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án trường liên cấp tại Quảng Nam, Bắc Giang, Hà Nam…

FPT cũng cho biết sẽ dành ít nhất 5% lợi nhuận trước thuế năm 2021 để chi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trong đó, riêng với công nghệ AI, trong năm 2021, Tập đoàn đã quyết định đầu tư 300 tỷ đồng, thậm chí cao hơn tuỳ vào nhu cầu thực tế, để đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ này trong 05 năm tới. Hợp tác chặt chẽ với Viện Nghiên cứu AI - Mila trong việc đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo. Trong đó, FPT đã đề xuất với Viện trưởng Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới này về việc mở một trung tâm nghiên cứu phát triển của Mila tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác