Chuyển động thị trường
"Gác lại" việc sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản
Hữu Tuấn - 17/04/2018 19:41
Chiều ngày 17/4, phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị.

Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị.

Theo Tờ trình , mục tiêu xây dựng của Luật sửa đổi này là nhằm củng cố, hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Hai là, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Ba là, hoàn thiện cơ chế phân cấp giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng.

Bốn là, hoàn thiện quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp Ảnh: Quang Khánh (Báo Đại Biểu Nhân dân)

"Với những mục tiêu đó, dự án Luật sửa đổi được xây dựng trên cơ sở quán triệt định hướng, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, yêu cầu hoàn thiện pháp luật có liên quan bảo đảm thống nhất với Luật Quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị đã sửa đổi 99 điều luật của cả 4 Luật nhưng chỉ có 19 điều liên quan đến Luật Quy hoạch.

Báo cáo thẩm tra dự án luật do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với mục tiêu cần sửa đổi, bổ sung các luật nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, hiệu lực của Luật Quy hoạch, đồng thời thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

"Tuy nhiên, việc dùng một luật sửa nhiều luật, nhiều nội dung sửa đổi khác nhau và đa mục tiêu khó có thểbảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và chất lượng các quy định trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, trước mắt tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến quy hoạch (19/77 điều liên quan đến Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị), đối với các nội dung khác cần phải rà soát, tổng kết, đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật", ông Thanh nói.

Các ý kiến của trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, Dự án Luật nên chỉ tập trung vào sửa đổi các điều khoản của 4 Luật nêu trên để phù hợp với Luật Quy hoạch bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2019.

Đồng thời, trên cơ sở nội dung cuộc họp chiều ngày 16/4/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh năm 2018, nếu việc sửa đổi, bổ sung quá nhiều nội dung sẽ nên được trình một dự án luật riêng (ví dụ như Luật Xây dựng có 53/168 điều được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, chiếm 31,55% tổng số điều của Luật).

Ý kiến chung đề nghị ghép các nhóm luật sửa đổi,  bổ sung liên quan đến quy hoạch thành một luật sửa 13 luật (một luật sửa 10 luật theo Tờ trình của Chính phủ cùng với việc sửa đổi, bổ sung trong Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị) và thông qua tại kỳ họp thứ 5 để giảm tải khối lượng công việc tại kỳ họp thứ 6.

Uỷ ban Thường vụ thống nhất việc đưa Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị vào nhóm Luật nhóm luật sửa đổi,  bổ sung liên quan đến quy hoạch thành một luật sửa 13 luật, đề nghị Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018.

Tin liên quan
Tin khác