Các nhà đầu tư và đại diện start-up trao đổi về các ý tưởng khởi nghiệp bên lề Vietnam Venture Summit 2019 tại TP.HCM. |
Cam kết hỗ trợ mạnh mẽ và lâu dài từ Chính phủ
Ông Honma Masahiko, đồng sáng lập Incubate Fund - một trong những quỹ ươm mầm, đầu tư mạo hiểm lớn nhất Nhật Bản và bắt đầu tham gia đầu tư vào start-up tại Mỹ chia sẻ, quan sát cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam từ năm 2012 đến nay, ông nhận thấy, gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi, cải thiện và phát triển “vô cùng ấn tượng”.
Trong đó, hai điều mà ông Honma Masahiko ấn tượng nhất là các bộ, ngành đã rất cởi mở, lắng nghe ý kiến, hợp tác để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và các start-up Việt ngày càng chú trọng xây dựng năng lực của đội ngũ hơn là tìm kiếm nhà đầu tư để nhận vốn.
“Tham dự Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) tại Hà Nội ngày 10/6, tôi thấy, Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành có cam kết mạnh mẽ, lâu dài về hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Đó là xu hướng chung của các quốc gia châu Á, nghĩa là, vai trò của Chính phủ được đánh giá rất quan trọng, không chỉ với start-up mà còn với các nhà đầu tư nói chung”, ông Honma Masahiko nói.
Ông Honma Masahiko cũng cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá Việt Nam là thị trường có nền tảng phù hợp để phát triển start-up. Vừa qua, một trong những tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam, bởi họ nhìn thấy đội ngũ trên thị trường hiện có năng lực đáp ứng mọi yêu cầu. Việt Nam đã thu hút nhiều quỹ đầu tư khu vực Đông Nam Á rót vốn vào các dự án trong 2 - 3 năm qua và xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Nếu start-up có sản phẩm hướng đến người tiêu dùng cuối, hay thiên về hướng thương mại, thì nên chọn TP.HCM làm điểm đến. Còn thị trường Hà Nội sẽ thiên về sự phát triển của hệ thống ngân hàng, vốn, hay công nghệ”, ông Honma phân tích.
Xây dựng vị thế
Tham gia khởi nghiệp từ khá sớm, Ngô Thùy Ngọc Tú thành lập Anh ngữ Yola từ năm 2009. Cô cho biết, thời điểm ấy, sự hiện diện của các nhà đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam không nhiều như hiện nay.
Các start-up Việt đang được rất nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước “để mắt” tới. Chính vì vậy, hiện nay, các start-up Việt không mấy khó khăn để tiếp cận các nguồn vốn đầu tư hay tìm kiếm đội ngũ kỹ sư, chuyên gia công nghệ. Điều khiến họ phải suy nghĩ nhiều nhất là tập trung vào các điều khoản cụ thể cũng như cách thức thực hiện để hợp tác với các bên liên quan được thuận lợi.
“Đội ngũ các nhà sáng lập trẻ tại Việt Nam đang cố gắng xây dựng vị thế của mình cân bằng với các nhà đầu tư”, Ngọc Tú nói và cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang tập hợp được khá nhiều nhà sáng lập trẻ và một trong những điều họ đang cần hơn cả là các thành tố có thể bổ trợ cho họ khắc phục những điểm yếu, đặc biệt trong quản lý nhân sự, tài chính…
Còn với nhà sáng lập AsiaStartups, ông Bobby Liu nhìn nhận, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và các thành tố tham gia vào thị trường đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong 2 năm gần đây.
Ông Bobby Liu đánh giá cao sự hỗ trợ, thúc đẩy cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp từ hệ sinh thái công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển của Chính phủ Việt Nam, đi cùng với đó là thị trường năng động cùng thế hệ những lãnh đạo trẻ có tinh thần khởi nghiệp cao.
“Dường như, Việt Nam đang đi trên một con đường độc lập và rất khác so với các nước trong khu vực Đông Nam Á”, ông Bobby Liu nói và cho rằng, để có thể vững bước trên con đường độc lập ấy, cần tập trung vào xây dựng năng lực, nâng cao hơn nữa đội ngũ lao động chứ không phải chỉ phê bình chất lượng tay nghề của họ. Xây dựng năng lực là vấn đề cơ bản nhưng lại là trọng tâm, nếu muốn phát triển.
Liên quan đến vấn đề xây dựng năng lực, các start-up Việt Nam có thể tham khảo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp Nhật Bản. “Đưa các nhà sáng lập tập trung tại một nơi là rất quan trọng. 100 start-up hàng đầu Nhật Bản ở trong một khu, rất gần nhau. Như vậy, họ có thể dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, ý tưởng… với nhau”, ông Honma Masahiko đưa ra ví dụ.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hệ sinh thái khởi nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) tổ chức sáng 12/6 tại TP.HCM, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đang phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Đây là nơi có hệ sinh thái quy mô, đồng bộ, đầy đủ cũng như có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học - công nghệ.
Cùng với đó, Chính phủ cũng cam kết tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư, cộng đồng start-up, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Từ đó, cộng động khởi nghiệp có thể thoả sức cống hiến, sáng tạo, đóng góp, đưa ý tưởng chất lượng, xây dựng mô hình với các sản phẩm công nghệ cụ thể, góp phần đưa nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và thịnh vượng hơn.