Viễn thông - Công nghệ
Game Việt nên thoát khỏi thói quen làm đơn giản
Tú Ân - 18/08/2022 13:48
Ngành công nghiệp game Việt Nam muốn phát triển mạnh, vươn ra biển lớn thì cần thoát khỏi thói quen làm game đơn giản.
Tựa game Axie Infinity

Thoát bóng game tối giản

Việt Nam đang có tiềm năng trở thành cường quốc game với quy mô ngành 3,5-4,5 tỷ USD, 25.000 nhân sự làm game và 50 game được phát hành trên các kho ứng dụng ở Việt Nam mỗi ngày. Thế nhưng, hiện phần lớn các studio Việt Nam mới chỉ sản xuất được dòng Casual, Hyper-Casual (là game có nội dung được thực hiện ở mức tối giản, dễ chơi), điển hình là Flappy Bird, Pacman, Tetris...

Dòng game Casual và Hyper-Casual giúp ngành công nghiệp game Việt Nam nhanh chóng có chỗ đứng, doanh thu, lợi nhuận lớn. Nhưng để “nâng hạng”, tạo thương hiệu và đẳng cấp cũng như trở thành kỳ lân, game Việt phải bước vào sân chơi game Platform và Metaverse.

Axie Infinity là một điển hình cho nhận định này. Chỉ trong vòng 4 năm, từ số 0, Axie Infinity đã trở thành kỳ lân với mức định giá 3 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư hơn 300 triệu USD trong vòng 1 năm. Axie Infinity là điển hình cho dòng game Metaverse và hàng ngàn game đã tiếp bước Axie Infinity từ năm 2021. Đặc biệt là, kể từ khi Axie Infinity ra mắt, đã có ít nhất 10 công ty khởi nghiệp blockchain Việt Nam vượt qua mức định giá 100 triệu USD.

Hay như mới đây, ông trùm game lớn nhất Việt Nam đã bước vào cuộc chơi game Platform khi đầu tư vào startup game được định giá hàng tỷ USD là Haegin của Hàn Quốc, chính thức “nhảy” vào thị trường Metaverse. Haegin cũng mới khởi nghiệp năm 2017 và với con đường làm game Platform và Metaverse với hàng loạt game đình đám như Home Run Clash, Overdogs, Extreme Golf, Play Together...

Theo ông Nguyễn Đình Khánh, sáng lập, kiêm Giám đốc WolfFun, đa phần công ty game Việt Nam đang gia nhập vào phân khúc game Casual vì chi phí sản xuất thấp. Dòng game này chủ yếu sống nhờ quảng cáo. Bởi vì dễ sản xuất nên việc cạnh tranh càng cao, dẫn đến doanh thu quảng cáo bấp bênh. Nguồn thu bền vững trong game là in-app purchase (mua vật phẩm trong game), nhưng thể loại game này đòi hỏi phải đầu tư khá nhiều vào công đoạn sản xuất như kịch bản game, đồ hoạ, âm thanh...

Ông Trí Phạm, nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty Whydah cho rằng, Việt Nam thật sự có khả năng làm ra những tựa game có chất lượng tốt, lối chơi dễ tiếp cận nhiều đối tượng người chơi khác nhau. Tuy nhiên, điều cần thiết nhất vẫn là một định hướng cụ thể, nền tảng công nghệ tiên tiến và cả nguồn lực để cạnh tranh trong lĩnh vực game truyền thống toàn cầu.

Cần sự đổi thay

Theo ông Đào Quang Tuấn, Giám đốc khối kinh doanh game của FunTap, các thể loại game Casual và Hyper-Casual đang giúp các công ty sản xuất và phát hành game ở thị trường quốc tế “sống được”. Tuy nhiên,Việt Nam muốn trở thành cường quốc về game và công nghệ thì phải có các platform quốc tế, lấn sân sang các game phức tạp hơn, thể loại khó làm hơn.

“Chính sách cần cởi mở hơn với ngành này, để các studio game tạo ra các nền tảng, lúc đó sẽ thành những công ty tầm khu vực và toàn cầu”, ông Tuấn kiến nghị.

Còn theo ông Thái Thanh Liêm, CEO của Topebox, người Việt rất sáng tạo, nhất là lớp trẻ, chính vì thế làm game Casual và Hyper-Casual vẫn sẽ thành công trong thời gian tới và vẫn cần được khuyến khích. Song về lâu dài cần có chiến lược. Hiện các công ty sản xuất và phát hành game Casual và Hyper-Casual có doanh thu chủ yếu đến từ quảng cáo, không giữ được người dùng lâu dài. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn do ảnh hưởng của nền kinh tế cũng bắt đầu hạn chế các hình thức quảng cáo hiển thị. Chính vì thế, để giữ người dùng lâu dài và tạo doanh thu ổn định, Việt Nam cần sản xuất các game Metaverse, bởi giới trẻ bây giờ chơi game rất cần để kết nối, các nhãn hàng cũng tiếp cận hiệu quả người dùng qua thể loại game này.

“Các game dạng này đòi hỏi quá trình lâu dài, đặc biệt là nguồn vốn, bởi không phải cứ làm game chất lượng cao là thành công. Sản xuất và phát hành 10 game, chỉ cần 1-2 game thu hút được đông đảo người chơi đã là thành công”, ông Liêm nói.

Ông Phạm Văn Thành, Giám đốc VTC Game nhận xét, với dòng Casual và Hyper-Casual, các studio game tại Việt Nam hiện nay vẫn kinh doanh rất tốt, điển hình là vẫn nằm trong top đầu về doanh thu chia sẻ và quảng cáo trên các kho ứng dụng AppStore và Google Play. Nhưng về lâu dài, game Platform và Metaverse là những thể loại mà các studio game trong nước cần phải làm để phát triển và khẳng định vị thế của mình.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, hiện Cục đang xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để phát triển ngành game. Ở lĩnh vực sản xuất game, sẽ có các phương án để phát huy lợi thế về sự sáng tạo, bắt kịp xu hướng công nghệ của các kỹ sư và studio game trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác