Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ tại Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu dùng nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cùng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản tổ chức tại TP.HCM.
Đại diện này cho biết, tại khu vực thành thị (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ) trung bình mỗi hộ dành khoảng 18 triệu đồng/tháng cho các khoản chi tiêu và khu vực nông thôn, tổng chi khoảng 8 triệu đồng/ hộ.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc thương mại Công ty Kantar Worldpanel Việt Nam tại Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu dùng nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao. |
Trong đó, thực phẩm tươi sống và FMCG vẫn là nguồn chi chính, chiếm gần 30% tổng ngân sách chi mỗi tháng.
Theo đó, trung bình một gia đình thành thị chi khoảng 1,1 triệu đồng mỗi tuần cho thực phẩm tươi sống, gấp 3 lần cho FMCG. Tổng chi này chủ yếu dành cho trái cây (19%), thịt heo (14%), cá (12%), hải sản (12%),…
Chợ vẫn là kênh mua sắm chính cho thực phẩm tươi sống, với 85%. Tuy nhiên, kênh siêu thị và đại siêu thị đang tăng trưởng tốt.
85% người tiêu dùng mua sắm thực phẩm tươi sống như bò, heo, cá, hải sản tại chợ truyền thống, với mức chi trung bình 930 nghìn đồng/hộ/tuần và 156 nghìn đồng/lần mua.
Theo ông Hoàng, đây là những dấu hiệu tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, cần chú ý đến xu hướng mới nổi , dù chưa thực sự phổ biến nhưng thực phẩm hữu cơ được đánh giá tiềm năng trong giai đoạn tới.
Trong khi đó, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng đánh giá, vấn đề thực phẩm sạch và an toàn là mối quan tâm bậc nhất của người tiêu dùng trong bối cảnh “niềm tin người tiêu dùng vào thương hiệu Việt” có phần lung lay.
Hiện, công tác đảm bảo an toàn các sản phẩm hàng hoá còn gặp nhiều khó khăn, bởi phải qua nhiều khâu. Chỉ có cách quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế,…cho đến chế biến, bảo quản mới đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước”, đến 2020 Việt Nam sẽ có 1.200 siêu thị.
Tuy nhiên bà Nga cho biết tính đến cuối 2017, đã có hơn 1.000 siêu thị đang hoạt động, hơn 5.000 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
Bộ Công thương cũng đang triển khai 9 chương trình đề án, dự án có thể hỗ trợ hoạt động kết nối cung cầu cho các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó là đề án đưa hàng Việt Nam phân phối vào hệ thống bán lẻ doanh nghiệp nước ngoài như AEON đã ký thoả thuận với Bộ Công thương, đến 2020 sẽ tiêu thụ 500 triệu USD hàng Việt Nam để đưa vào hệ thống này trong và ngoài nước, đến 2025 con số này là 1 tỷ USD.
Đại diện này dự báo, trong 7 năm tới, 35% người tiêu dùng sẽ chọn mua thực phẩm tại các kênh phân phối hiện đại.
“Lo sợ các kênh hiện đại của doanh nghiệp nước ngoài đánh bật doanh nghiệp trong nước là không có cơ sở. Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mối quan tâm hàng đầu của họ là lợi nhuận. Họ nói “hàng ngoại bày cho đẹp, còn bán lợi nhuận cao vẫn ở nhóm hàng người dân quen thuộc, mua hàng ngày như rau, cà, mắm, muối,…” bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng thị trường trong nước nói, và kỳ vọng, không còn tâm lý Người Việt Nam ưu tiên mà là tự hào dùng hàng Việt Nam.
Bảng 1: 5 nguồn chi chính trong tổng ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình thành thị (ĐVT: %) (Nguồn: Kantar Worldpanel)
Chỉ tiêu | Năm 2012 | Năm 2017 |
Thực phẩm tươi sống, FMCG | 27,9 | 26,8 |
Giáo dục | 10,8 | 12,9 |
Tiết kiệm | 10,2 | 11,8 |
Ăn uống bên ngoài | 9,8 | 9,9 |
Đầu tư, nông nghiệp | 8 | 8,3 |
Bảng 2: 5 nguồn chi chính trong tổng ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình nông thôn (ĐVT: %)
Chỉ tiêu | Năm 2012 | Năm 2017 |
Đầu tư, nông nghiệp | 29,8 | 26,6 |
Thực phẩm tươi sống, FMCG | 26,6 | 25,9 |
Tiết kiệm | 9,6 | 12,6 |
Đất đai, nhà cửa | 6,6 | 7,3 |
Giáo dục | 7 | 6,2 |