Hơn 545.000 người dân tiếp cận và sử dụng ứng dụng iHanoi
Trả lời báo chí, lãnh đạo Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) chính thức vận hành từ ngày 28/6/2024, tính đến ngày 15/8/2024, đã có hơn 130.000 cán bộ, công chức, viên chức cài đặt ứng dụng iHanoi; hơn 545.000 người dân tiếp cận và sử dụng ứng dụng iHanoi; đã có 3.268 ý kiến, phản ánh của người dân gửi qua ứng dụng iHanoi.
Tạm tính trên địa bàn TP có 5,3 triệu người từ 15 tuổi trở lên, có thiết bị thông minh theo số liệu đánh giá chỉ số DTI năm 2023, Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cung cấp.
Tính đến ngày 15/8/2024, đã có 3.268 ý kiến, phản ánh của người dân gửi qua ứng dụng iHanoi. |
Báo cáo “Tình hình triển khai thực hiện Ứng dụng iHanoi” của Văn phòng UBND TP. Hà Nội - đơn vị vận hành iHanoi (tuần 6) cho biết, tính đến ngày 8/8/2024, TP. Hà Nội đã tổ chức cấp, tạo tài khoản cho công chức viên chức trong TP: 61/61 cơ quan, đơn vị (30 quận, huyện, thị xã và 31 sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc) đã tham gia tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị hiện trường trên iHanoi.
Cùng với đó, TP. Hà Nội đã bổ sung 40 điểm camera giao thông trên ứng dụng iHanoi; dự kiến tuần sau: hoàn thiện đọc mã Qrcode của thẻ CCCD; hoàn thiện chức năng tiếp nhận sáng kiến Thủ đô (sẽ công khai sáng kiến); đưa ví điện tử vào phục vụ thanh toán trực tuyến; tạo mẫu đối với các trường hợp từ chối.
Tính đến nay, đã có 455 tin bài của các cơ quan báo chí đăng tin, tinh thần lan tỏa tính tích cực của ứng dụng.
Trên mạng xã hội, tại FanPage “Thủ đô Hà Nội – Việt Nam”; Youtube iHanoi thường xuyên đăng các phóng sự, video hướng dẫn, inforgraphic về iHanoi;
Ngoài ra, qua theo dõi, trong tuần một số các Fanpage, tài khoản Tiktok có xếp hạng cao chủ động đưa tin video giới thiệu iHanoi như: Hà Nội News (2,4 triệu người theo dõi); tiktok Theanh28Entertainment (11 triệu người theo dõi)…
Một số người dân tạo nhóm facebook “iHanoi cùng người dân Thủ đô” để chia sẻ, giới thiệu và hỗ trợ sử dụng… Đa số các tin bình luận liên quan đến chức năng phản ánh hiện trường thuận tiện, đã giải quyết và ủng hộ cách làm; chức năng xem camera giao thông cũn nhận được sự quan người dân, ghi nhận việc thuận tiện theo dõi tình trạng giao thông.
Số tài khoản công chức, viên chức, người lao động vai trò người dân là 130.165 đạt tỷ lệ 100%. Số tài khoản công chức, viên chức xử lý phản ánh, kiến nghị là 5.527. Số lượt truy cập trong tuần 6 đạt 448.061 lượt, tăng 42,9% so với tuần trước (số lượt truy cập tuần trước 255.678).
Đáng chú ý, đã có 1.654/2.350 phản ánh, kiến nghị hiện trường được xử lý. 180 phản ánh, kiến nghị hiện trường bị từ chối. 272 phản ánh, kiến nghị hiện trường đang xử lý. Và 244 phản ánh, kiến nghị hiện trường đang chờ xử lý.
Có 42/247 phản ánh, kiến nghị thủ tục hành chính được xử lý. 99 phản ánh, kiến nghị thủ tục hành chính bị từ chối. 23 phản ánh, kiến nghị thủ tục hành chính đang xử lý. Và 83 phản ánh, kiến nghị thủ tục hành chính đang chờ xử lý.
Số phản ánh, kiến nghị chuyển về TP giải quyết tăng nhanh trong đầu tháng 8/2024, trung bình 1 ngày tiếp nhận, phân xử lý khoảng 40 phản ánh chuyển đến sở, ban, ngành liên quan hoặc trả về đúng địa phương giải quyết.
Các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện, hoàn thành giải quyết phản ánh, kiến nghị đúng hạn. Cụ thể, tháng 7 (1.441 phản ánh, kiến nghị; trong đó 135 phản ánh, kiến nghị quá hạn chiếm 11,07%); 8 ngày đầu tháng 8 (1.012 phản ánh, kiến nghị; chưa có phản ánh, kiến nghị nào quá hạn).
Ý kiến đánh giá phản ánh, kiến nghị của người dân về mức độ hài lòng, chấp nhận vẫn chiếm tỷ lệ ổn định khoảng 65,6%; mức độ chưa hài lòng chiếm tỷ lệ khoảng 34,4%. Rà soát kết quả số phản ánh, kiến nghị được người dân đánh giá chưa hài lòng, theo đánh giá khách quan có khoảng 10% trong số đó thực sự chưa đạt yêu cầu. Lý do là hầu hết cung cấp nội dung kết quả xử lý người dân còn chung chung, chưa có hình ảnh hoặc văn bản chứng minh; hoặc quên không đánh câu trả lời.
Bổ sung thêm các tiện ích hữu ích cho người dân
Theo lãnh đạo Văn phòng UBND TP. Hà Nội, quy trình xử lý phản ánh, kiến nghị qua ứng dụng iHanoi gồm 3 bước chính:
Bước một, giải quyết phản ánh, kiến nghị. Cán bộ xử lý thực hiện kiểm tra, rà soát, xác minh nội dung thông tin phản ánh, kiến nghị. Qua quá trình kiểm tra, rà soát, xác minh nội dung thông tin phản ánh, kiến nghị nhận thấy:
Phản ánh, kiến nghị đầy đủ, chính xác, cán bộ xử lý thực hiện chức năng tiếp nhận xử lý và giải quyết theo quy định; kết quả xử lý trình người có thẩm quyền phê duyệt trước khi phản hồi tới tổ chức, cá nhân theo quy định;
Phản ánh, kiến nghị không đúng với chức năng, nhiệm vụ, cán bộ xử lý thực hiện chức năng từ chối xử lý. Phản ánh, kiến nghị được hệ thống tự động chuyển về cán bộ phân công xử lý thực hiện phân công lại.
Phản ánh, kiến nghị không chính xác, cán bộ xử lý thực hiện từ chối xử lý. Phản ánh, kiến nghị được hệ thống tự động chuyển về cán bộ phân công xử lý thực hiện từ chối phản ánh, kiến nghị, Hệ thống sẽ tự động chuyển nội dung từ chối tới tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền biết để theo dõi.
Bước hai, phê duyệt nội dung xử lý phản ánh, kiến nghị. Căn cứ vào nội dung xử lý phản ánh, kiến nghị của cán bộ xử lý trình phê duyệt, người có thẩm quyền thực hiện phê duyệt hoặc từ chối phê duyệt nội dung xử lý phản ánh, kiến nghị:
Nội dung xử lý phản ánh, kiến nghị đạt yêu cầu, người có thẩm quyền tại các cơ quan, đơn vị thực hiện phê duyệt kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị;
Nội dung xử lý phản ánh, kiến nghị chưa đạt yêu cầu, người có thẩm quyền tại các cơ quan, đơn vị thực hiện từ chối phê duyệt để cán bộ xử lý kiểm tra, rà soát tham mưu lại.
Bước ba, công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị. Người có thẩm quyền căn cứ vào kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị thực hiện phê duyệt công khai thông tin về kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị tới tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền biết để theo dõi.
Tính đến nay, TP. Hà Nội đã nhận 285 ý kiến góp ý của người dân; đã số góp ý xây dựng, hoàn thiện ứng dụng iHanoi và một số phản ánh những vấn đề về: giao thông, môi trường, y tế, du lịch… với mục đích xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững.
Để triển khai ứng dụng iHanoi đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi, trong đó sẽ quan tâm, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội đẩy mạnh, tăng cường các kênh tương tác với người dân mà đặc biệt là người trẻ thông qua ứng dụng iHanoi.
Tại Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 5/7/2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng UBND TP. Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung các tiện ích hữu ích cho người dân như: Khảo sát ý kiến người dân; tiếp nhận kiến nghị cử tri; Tra cứu điểm đỗ xe và đặt chỗ trước, thanh toán; tra cứu dịch vụ tuyến xe buýt; tra cứu sổ liên lạc điện tử, tuyển sinh đầu cấp; dịch vụ thanh toán tiền điện, nạp tiền điện thoại; nâng cấp tính năng tin tức Hà Nội… và các tiện ích khác.