Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4/4026, cả nước đã thu hút được 697 dự án FDI mới, với tổng số vốn đăng ký đạt 5,082 tỷ USD, tăng 55,6% về số dự án và tăng 89,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Đồng thời, có 314 lượt dự án đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm đạt 1,8 tỷ USD.
. |
Như vậy, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, đạt gần 6,887 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng xu hướng tích cực đó, vốn FDI thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,246 tỷ USD, chiếm 76,2% tổng vốn đăng ký; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 334,6 triệu USD, chiếm 4,9%; ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đạt 242,5 triệu USD, chiếm 3,5%; các ngành còn lại đạt 1063,2 triệu USD, chiếm 15,4%.
Xét về địa phương, Hải Phòng là địa phương có số vốn FDI đăng ký lớn nhất với 1,59 tỷ USD, chiếm 31,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội - 595,5 triệu USD, chiếm 11,7%; Bình Dương - 329 triệu USD, chiếm 6,5%; Bắc Ninh - 309,3 triệu USD, chiếm 6,1%...
Còn về tính về nhà đầu tư, thì 4 tháng đầu năm, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2,48 tỷ USD, chiếm 48,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 502,1 triệu USD, chiếm 9,9%; Đài Loan 430,1 triệu USD, chiếm 8,5%.
Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ 4 với chỉ 307 triệu USD, chiếm 6%.