Tại Hội thảo "Những vấn đề đặt ra với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến 30/6/2016, chỉ tính riêng các ngân hàng thương mại, tổng mức cam kết cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 159.204 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 83.611 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2015.
Chỉ tính riêng 3 ngân hàng BIDV, VietinBank và SHB có tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm 85,64%.
Theo tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải, giai đoạn 2011-2015, nhu cầu nguồn vốn đầu tư của các dự án BOT, BT khoảng 484.000 tỷ đồng, nhưng nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và vốn vay ưu đãi (ODA) chỉ cân đối được 181.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 37%. Trong bối cảnh đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã đẩy mạnh hình thức xã hội hóa đầu tư, thu hút vốn đầu tư tư nhân.
Trong tổng vốn huy động từ khu vực tư nhân, chỉ có vài công trình tiếp cận được vốn vay nước ngoài, còn lại gần 90% vốn đầu tư vào các dự án BOT giao thông xuất phát từ vay vốn của các ngân hàng thương mại.
Các chuyên gia khuyến cáo, cho vay BOT giao thông với vòng đời dự án dài tới 15-20 năm, trong khi vốn ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn dưới 1 năm. Sự chênh lệch kỳ hạn này dễ khiến ngân hàng mất cân đối tài chính, nếu quản trị dòng tiền không tốt hoặc dự án không thu hồi vốn được theo kế hoạch.