Đầu tháng này, Apple đã tổ chức Hội nghị Các nhà phát triển Toàn cầu (WWDC) thường niên với sự ra mắt đầy ấn tượng của Apple Intelligence, bộ công cụ AI tạo sinh mới dành cho iPhone, iPad và máy tính Mac.
Tuy nhiên, một báo cáo gần đây từ Bloomberg đã khiến người hâm mộ công nghệ tại Liên minh châu Âu (EU) thất vọng khi xác nhận rằng Apple Intelligence sẽ không được ra mắt tại khu vực này ít nhất là trong năm 2024.
Nguyên nhân chính của quyết định này là Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU. Đạo luật này được thiết kế nhằm thúc đẩy cạnh tranh và khả năng tương tác trong thị trường kỹ thuật số, nhưng lại đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho các công ty công nghệ lớn như Apple.
Apple Intelligence không thể ra mắt tại EU vào năm 2024. Ảnh: Apple |
Theo quy định của DMA, Apple buộc phải thay đổi nhiều chính sách, từ việc chuyển iPhone sang sử dụng cổng USB-C, cho phép các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba, đến việc cho phép các nhà phát triển sử dụng hệ thống thanh toán khác ngoài hệ thống của Apple để bỏ qua khoản hoa hồng 30%.
Trong một tuyên bố chính thức, Apple cho biết: “Chúng tôi lo ngại rằng các yêu cầu về khả năng tương tác của DMA có thể buộc chúng tôi phải thỏa hiệp về tính toàn vẹn của sản phẩm theo cách có thể gây rủi ro cho quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng”.
Việc Apple quyết định hoãn ra mắt Apple Intelligence tại EU không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của công nghệ AI trong khu vực này. Apple Intelligence được kỳ vọng sẽ là bước đột phá mới, mang đến nhiều tính năng thông minh và tiện ích, từ việc tạo văn bản tự động, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đến việc cải thiện khả năng tương tác của thiết bị.
Tuy nhiên, Apple lo ngại rằng để tuân thủ DMA, họ có thể phải mở rộng các tính năng này cho các hệ sinh thái khác, chẳng hạn như Android. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của việc giữ người dùng trong hệ sinh thái của Apple và đồng thời tăng chi phí vận hành.
Một số tính năng của Apple Intelligence yêu cầu sử dụng trung tâm dữ liệu từ xa của Apple để hoạt động, điều này khiến việc triển khai ở EU trở nên kém hiệu quả nếu không thể đảm bảo rằng người dùng sẽ gắn bó lâu dài với hệ sinh thái Apple.
Bên cạnh Apple Intelligence, hai tính năng khác được ra mắt tại WWDC - iPhone Mirroring và SharePlay Screen Sharing - cũng sẽ không có mặt tại EU do các lo ngại tương tự về DMA.
Theo Apple, các yêu cầu về khả năng tương tác có thể buộc họ phải thỏa hiệp về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng, điều mà công ty không sẵn lòng đánh đổi.
Dù hiện tại Apple quyết định chưa triển khai Apple Intelligence tại EU, "táo khuyết" bày tỏ hy vọng sẽ sớm tìm ra giải pháp để ra mắt các tính năng này cho người dùng EU.
Việc Apple chậm trễ ra mắt các tính năng mới tại EU cho thấy sự thận trọng của công ty trong việc tuân thủ các quy định mới và bảo vệ quyền lợi của người dùng. Tuy nhiên, sự chậm trễ này cũng có thể khiến 450 triệu người châu Âu sẽ không thể trải nghiệm các tính năng của Apple Intelligence, ít nhất là trong tương lai gần.