Vốn ODA được sử dụng vào nhiều dự án trọng điểm của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông. Ảnh: Đức Thanh |
Nguồn lực quan trọng
Mặc dù Việt Nam đã “tốt nghiệp” sử dụng vốn vay ODA với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhưng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho những công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, có tính lan tỏa cao và quan trọng trong thời gian tới.
Quan điểm này đã một lần nữa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025, vừa được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt.
Chia sẻ thêm về điều này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, có rất nhiều lý do khiến ODA là quan trọng trong thời gian tới. Một trong số đó, hiện tại, Việt Nam đang đặt trọng tâm vào việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, tập trung nhiều hơn vào tái cơ cấu, đổi mới mô hình và chất lượng tăng trưởng theo hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số, kinh tế số, phát triển kết cấu hạ tầng có tính kết nối cao, cải cách công tác quản lý nhà nước, dịch vụ công... Trong bối cảnh đó, đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư rất lớn.
Chưa kể, còn một loạt vấn đề khác cũng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, như nhu cầu cải thiện đô thị do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, phải giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Trong khi đó, nguồn lực trong nước có hạn.
“Vốn vay là cần thiết trong bối cảnh ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Trên thực tế, thời gian gần đây, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhiều quan điểm đặt ra về việc liệu có cần thiết để huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài không? Thậm chí, đã có ý kiến cho rằng, thay vì vay nước ngoài, có thể lựa chọn vay trong nước.
Tuy nhiên, trong Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, mặc dù Chính phủ đang tái cơ cấu nợ theo hướng tăng dần vay trong nước, nhưng quy mô và mức độ phát triển của thị trường trái phiếu trong nước còn khiêm tốn.
Trong khi đó, vay từ các ngân hàng thương mại thiếu khả thi do thiếu vắng cơ sở pháp lý. Các nguồn vay khác đều có những hạn chế nhất định về phạm vi và mục đích vay.
“Đối với ngân sách địa phương, vay lại vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là nguồn vốn phù hợp nhất để tăng chi đầu tư phát triển. So với vốn vay trong nước, vốn vay nước ngoài có tính chắc chắn hơn, ít bị tác động của thị trường vốn ngắn hạn trong và ngoài nước, đảm bảo chủ động về vốn trong thời gian thực hiện”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.
Nhất trí với quan điểm này, Chính phủ đã phê duyệt Đề án, “mở đường” cho một chiến lược thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong tình hình mới.
Vay an toàn và sử dụng hiệu quả
Vài năm trước đây, một trong những nội dung được trông đợi nhất tại các Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) là các nhà tài trợ sẽ cam kết bao nhiêu vốn ODA cho Việt Nam. Nhưng giờ đây, đó không còn là điều quan trọng nhất. Hội nghị CG cũng đã trở thành Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam.
Tuy vậy, các cam kết ODA và vốn vay ưu đãi cho Việt Nam vẫn không hề nhỏ. Thậm chí, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có thể thu hút 25,82 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2021-2025.
Cơ hội là rất lớn, song theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tới đây, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công.
Việc đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay cũng phải phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng trả nợ, không vay vốn với những dự án có điều kiện quy định gây bất lợi cho Việt Nam hoặc hiệu quả kém so với vay trong nước. Quan trọng không kém là vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
“Bất kỳ khoản vay mới nào cũng cần được xem xét hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đánh giá tác động tới kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chỉ tiêu nợ công, ngân sách, cũng như khả năng trả nợ trong tương lai”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Điều này cũng đã được đề cập tại Đề án. Song rõ ràng, huy động được là một chuyện, quan trọng không kém là làm sao sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.
Có một điều luôn khiến Chính phủ sốt ruột trong những năm gần đây, đó là tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, đặc biệt là với vốn ODA. Số liệu thống kê cho thấy, giải ngân vốn ODA những năm gần đây, đặc biệt trong hai năm 2020-2021, rất thấp.
Trong 11 tháng qua, giải ngân vốn ODA mới đạt 21,51% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều địa phương giải ngân vốn ODA rất thấp. Chẳng hạn, tính đến hết tháng 11/2021, Quảng Nam mới giải ngân được 18,25% kế hoạch, Kon Tum mới đạt 11,2% kế hoạch.
“Chúng tôi sẽ không thể giải ngân theo kế hoạch được giao trong năm nay. Nguyên nhân thì có nhiều, do tác động dịch bệnh Covid-19, do các ràng buộc với các nhà tài trợ, do năng lực quản lý, năng lực nhà thầu…”, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết.
Đây đáng tiếc lại là câu chuyện chung của nhiều địa phương. Do vậy, nguồn lực quý giá ODA đang bị “bỏ phí”, trong khi vẫn phải trả chi phí vay.
Trong các chỉ đạo gần đây về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh việc phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn ODA. Điều này không chỉ có ý nghĩa cho riêng năm nay, mà phải là nhiệm vụ xuyên suốt, nếu muốn nguồn lực ODA thực sự có thể có những đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.