Thống kê từ ngày 21/11/2023 đến ngày 26/3/2024, giá thép trên Sàn giao dịch Thượng Hải đã giảm 12,4%, từ 4.019 nhân dân tệ (CNY)/tấn, về 3.521 CNY/tấn và đang giao dịch vùng đáy. Từ ngày 26/12/2023 đến ngày 25/3/2024, giá thép cán nóng (HRC) thế giới giảm 23,9%, từ 1.137 USD/tấn, về 865 USD/tấn.
Mặc dù giá thép đang lao dốc, nhưng số liệu xuất khẩu của Trung Quốc lại có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Theo Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thép của nước này đã tăng 32,6% so với cùng kỳ, lên 15,9 triệu tấn, là mức kỷ lục từ năm 2016 tới nay (lần cuối cùng xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt mức cao như vậy là trong thời kỳ kinh tế suy thoái từ năm 2015 đến 2016).
Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc sản xuất khoảng 55% lượng thép của thế giới, do đó, chỉ cần một sự gia tăng nhỏ trong xuất khẩu cũng có thể dẫn đến áp lực giá trên thị trường thế giới.
Lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu hồi phục, cùng với việc nền kinh tế Trung Quốc chuyển dịch từ tăng trưởng dựa vào bất động sản sang lĩnh vực công nghệ, năng lượng, buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu, gây áp lực lên các nước trong khu vực và thế giới.
Việc giá thép thế giới quay đầu giảm mạnh trở lại trong những tháng gần đây gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tiêu thụ thép tại Việt Nam. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 2/2024, sản lượng thép bán ra trong nước đạt 594.811 tấn, giảm 41% so với tháng trước và giảm 33% so với cùng kỳ.
“Đầu tháng 3/2024, với sự cạnh tranh gay gắt, các nhà máy phải thông báo điều chỉnh giảm giá bán để mở rộng hoặc giữ thị phần. Hiện nay, các nhà máy trong nước đối mặt nhiều khó khăn do giá tồn kho cao, giá bán thấp, các chi phí tài chính tăng”, VSA nêu thực tế.
Giá thép quay đầu giảm gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp thương mại thép. Đứng đầu nhóm thương mại niêm yết phải kể tới Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH).
Tính tới ngày 31/12/2023, tồn kho của Thép Tiến Lên ghi nhận 2.413,4 tỷ đồng, chiếm 58,5% tổng tài sản. Trong đó, Công ty thuyết minh tồn kho chủ yếu 1.863,6 tỷ đồng là hàng hóa; 495,4 tỷ đồng là nguyên liệu, vật liệu và các khoản mục khác.
Trên lý thuyết, tồn kho của doanh nghiệp thương mại thép là cấu thành chính của giá vốn hàng bán. Nếu như tích trữ tồn kho trong môi trường giá bán tăng, doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận gộp, đồng thời tăng lãi. Ngược lại, tồn kho lớn trong môi trường giá giảm, thì sẽ trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp, vì phải thực hiện bán dưới giá vốn.
Tại Thép Tiến Lên, đơn vị này đã từng phải bán dưới giá vốn (hồi quý IV/2022), dẫn tới lợi nhuận gộp âm 51,2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gộp là 55,5 tỷ đồng), đồng thời dẫn tới lỗ kỷ lục 114,2 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân chính cũng tới từ việc tích trữ tồn kho trong bối cảnh giá thép bất ngờ lao dốc và giảm nhanh, lượng hàng tiêu thụ chậm, dẫn tới giá thành cao.
Việc sở hữu tồn kho chiếm tới 58,5% tổng tài sản, đồng thời số ngày tồn kho trung bình tới 166 ngày (khoảng 5,5 tháng), có thể hiểu, nếu trong điều kiện bình thường, tính tới cuối năm 2023, lượng tồn kho 2.413,4 tỷ đồng sẽ cần khoảng 5,5 tháng để tiêu thụ hết và nhập lượng hàng mới.
Chính vì lượng tồn kho lớn, thời gian lưu kho dài và giá bán đang có xu hướng giảm mạnh, điều này sẽ là gánh nặng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của Thép Tiến Lên trong quý I và 6 tháng đầu năm 2024.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhận định, năm 2024, thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường Trung Quốc (đặc biệt là thép xây dựng). Doanh nghiệp thép Việt sẽ phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp thép Trung Quốc, giá thép Việt Nam chịu ảnh hưởng từ sự biến động của giá thép Trung Quốc.
Có thể thấy, dù lĩnh vực bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục nhờ các gói hỗ trợ, giải pháp giải cứu thị trường và mặt bằng lãi suất thấp hơn, kéo theo nhu cầu thép tăng cao, nhưng riêng với ngành thép ít được hưởng lợi từ sự hồi phục này.