Chip SG8V1 đã được ứng dụng trên nhiều dòng sản phẩm thương mại |
Trung tuần tháng 8, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM (ICDREC) đã ra mắt chip RFID và công bố việc hợp tác phát triển, thương mại hóa chip và thiết bị RFID HF sau 4 năm nghiên cứu. Chip RFID được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất thẻ nhân viên chấm công, thẻ kiểm soát và tương lai là thẻ chứng minh nhân dân, vé xe buýt, vé metro…
Trước đó, năm 2014, ICDREC cũng đã công bố chip thương mại SG8V1, KIT DE-SG8V1 và những hỗ trợ kỹ thuật đi kèm. Chip SG8V1 được ứng dụng trên nhiều dòng sản phẩm thương mại đã có trên thị trường, như thiết bị giám sát hành trình ô tô, điện kế điện tử 1 pha, khóa điện tử giám sát quản lý container...
Tại Hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013 - 2020, được tổ chức hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của ICDREC và cho rằng, để những con chip “made in Việt Nam” đi vào cuộc sống, cần có sự kết nối tốt giữa nhà nghiên cứu với doanh nghiệp sản xuất, thương mại.
Trong thực tế, không ít doanh nghiệp trong nước khá hào hứng với việc thương mại các chip do ICDREC nghiên cứu thành công. Ngay sau khi chip SG8V1 ra đời, đã có 2 doanh nghiệp ký kết hợp tác với ICDREC để sản xuất thương mại. Mới đây, Công ty VietNet cũng đã ký hợp tác với ICDREC sản xuất thương mại chip và thiết bị RFID HF.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC cho biết, số doanh nghiệp Việt sẵn sàng sản xuất thương mại chip do ICDREC nghiên cứu không ít, nhưng doanh nghiệp có thể hợp tác đầu tư hoặc nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất lại khá hiếm hoi. Lý do là, phần lớn doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực này là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khách hàng, nhưng tiềm lực tài chính hạn chế, khó có khả năng đầu tư lớn cho sản xuất.
Từ thực tế đó, ICDREC phải sản xuất thiết bị thương mại tương thích với chip do mình thiết kế thì mới có doanh nghiệp hợp tác đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, nguồn lực của ICDREC còn hạn chế, nên dù có nhiều đối tác đặt hàng số lượng lớn, nhưng cũng đành... bó tay.
ICDREC cũng đã bắt tay với doanh nghiệp trong nước để hợp tác đầu tư sản xuất các thiết bị thương mại, thay vì phải đặt sản xuất ở nước ngoài. Cụ thể, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) góp 20,9 tỷ đồng để thực hiện Dự án “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng”. Tuy nhiên, dự án này chưa được triển khai như dự kiến, vì phải tính toán lại về quy mô, đầu ra của sản phẩm, nhân lực vận hành, hiệu quả của dự án...
Ông Chu Tiến Dũng, Tổng giám đốc CNS cho biết, dự án của CNS mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương và đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Thành công của ICDREC trong nghiên cứu chip RFID tạo nguồn đầu vào cho nhà máy trong tương lai. Điều này cũng có tác động tích cực cho CNS trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó hướng mạnh vào đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao.
Trong khi đó, đã có những doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ mong muốn hợp tác với ICDREC trong đầu tư, sản xuất chip và các thiết bị thương mại tương ứng. Mới đây nhất, Công ty Shoei (Nhật Bản) đã ký bản ghi nhớ hợp tác với ICDREC. Cùng với Shoei, sẽ có thêm một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử hàng đầu của Nhật Bản tham gia hợp tác này.
Theo đó, Shoei sẽ đặt mua chip RFID do ICDREC thiết kế, sau đó phủ lên trên một loại hợp chất đặc biệt để làm ra các loại thẻ đang được ứng dụng rộng rãi trong đời sống hiện nay. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất điện tử sẽ đóng vai trò nhà cung cấp các thiết bị hệ thống để quản lý, sử dụng các loại thẻ này.
Cũng theo ông Hoàng, trong tháng tới, sẽ có một doanh nghiệp lớn khác của Nhật Bản tới Việt Nam ký kết hợp đồng hợp tác với ICDREC trong lĩnh vực vi mạch, mà cụ thể là tham gia mô hình xưởng cực tiểu, một mô hình đang được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ đầu tư hàng trăm triệu USD.
Nhiều khả năng tới đây, ICDREC sẽ hợp tác với một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM trong việc chuyển giao công nghệ để sản xuất các thiết bị phóng xạ từ chip SG8V1. Theo ông Hoàng, nhu cầu của thị trường về các thiết bị này không quá cao, mức đầu tư cũng như doanh thu chưa cao, nhưng đây là cơ sở ban đầu để có thể hợp tác lớn hơn về sau.