Trạm thu phí Dự án BOT mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk |
Nợ xấu đang dềnh lên
“Đến thời điểm này, Dự án đã chính thức vỡ phương án tài chính, lỗ lũy kế từ khi công trình được nghiệm thu, đưa vào khai thác (tháng 4/2018) đến nay đã lên tới 346 tỷ đồng”, ông Ngô Tiến Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty BOT cầu Thái Hà - đơn vị chủ đầu tư Dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam cho biết.
Dự án BOT cầu Thái Hà có tổng mức đầu tư chỉ khoảng 1.600 tỷ đồng, nên khoản lỗ lũy kế 346 tỷ đồng có thể coi là “đòn giáng chí mạng” đến khả năng tồn tại của doanh nghiệp dự án - những người từng hy vọng hoàn được vốn trong vòng 16 năm 7 tháng.
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân nguyện Quốc hội, Công ty BOT cầu Thái Hà cho biết, hiện doanh thu trung bình tại Dự án chỉ đạt khoảng 2,2 tỷ đồng/tháng, trong khi hằng tháng phát sinh lãi vay ngân hàng là 8,74 tỷ đồng, chi phí tổ chức vận hành công trình là 1 tỷ đồng.
Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà cho rằng, trong quá trình lập dự án đầu tư, phương án tài chính, đơn vị tư vấn đã không đề cập, chiết giảm lưu lượng với các tuyến đường mới, đặc biệt là không có dự báo phân tán lưu lượng sang công trình có cùng ý nghĩa kết nối được triển khai trên cùng địa bàn. Điều này dẫn tới doanh thu thu phí tại Dự án tụt rất sâu so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ông Ngô Tiến Quang cho biết, tại thời điểm kết thúc thu phí hoàn vốn (tháng 7/2036), dư nợ vốn vay của Dự án phình lên đến 6.084 tỷ đồng, so với vốn vay ban đầu là 1.038 tỷ đồng thì tăng khoảng 5 lần và càng kéo dài thời gian thu phí, doanh nghiệp càng lỗ, không có nguồn tài chính để bù đắp.
Ẩn họa trên không chỉ là của riêng các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, mà còn của cả đơn vị tài trợ vốn tín dụng là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Điều đáng nói là, ngay từ tháng 10/2021, Công ty BOT cầu Thái Hà đã kiến nghị cấp có thẩm quyền dùng nguồn vốn đầu tư công để hỗ trợ đảm bảo phương án tài chính Dự án, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, xử lý.
Chuyện doanh thu thu phí liên tục thiếu trước, hụt sau, thậm chí không đủ trả nợ gốc và lãi vay đến hạn cũng xảy ra tại Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 38 - nhà đầu tư Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38, đoạn nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 5 qua Bắc Ninh và Hải Dương.
Ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 38 cho biết, suốt thời gian qua, Ngân hàng SHB (đơn vị tài trợ vốn) và doanh nghiệp dự án đã có rất nhiều buổi làm việc cũng như gửi văn bản kiến nghị tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng đến thời điểm hiện tại, các vấn đề nêu trên vẫn chưa được tháo gỡ.
Hiện khoản vay gần 1.100 tỷ đồng của Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 38 đã bị chuyển nợ sang nhóm 5 (nhóm nợ xấu). Do không còn tiếp cận được khoản vay, nên doanh nghiệp dự án đã không còn khả năng thanh toán đối với các khoản nợ thi công, cũng như trả các khoản bồi thường còn lại cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Về phía ngân hàng, việc khoản tín dụng tại Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 bị nhảy sang nhóm nợ xấu đã khiến SHB phải trích lập dự phòng 100% giá trị khoản vay, gây ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh và năng lực tài chính của Ngân hàng.
Đa dạng hóa nguồn vốn
Theo thông tin của Báo Đầu tư, NHNN vừa có Công văn số 642/NHNN-TD gửi Bộ GTVT về việc phối hợp đề xuất một số cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc tín dụng đối với dự án PPP giao thông. NHNN khẳng định, việc xử lý dứt điểm các bất cập, vướng mắc trong đầu tư, khai thác các dự án BOT giao thông thời gian qua đang là yêu cầu tiên quyết, cấp bách, nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư và tổ chức tín dụng tài trợ; hạn chế phát sinh nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng cho đầu tư các dự án mới.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, đang xuất hiện tình trạng nhiều dự án BOT giao thông đã hoàn thành 2-3 năm, nhưng chưa quyết toán xong; trạm thu phí tạm dừng thu, chưa có quyết định hoặc lộ trình thu phí trở lại; các dự án có doanh thu sụt giảm chưa được rà soát, chưa tính toán lại lộ trình tăng phí...
Điều đó dẫn đến việc các tổ chức tín dụng không có cơ sở xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền các dự án, đồng thời khiến họ rất thận trọng trong cho vay đối với các dự án PPP giao thông mới.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng - doanh nghiệp dự án tại Dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt cho biết, các ngân hàng đang đặt ra những yêu cầu rất cao về bảo lãnh doanh thu, xử lý rủi ro khi đàm phán cho vay các dự án cao tốc.
Ngay tại 2 dự án PPP đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vừa thu xếp xong vốn là Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nhà đầu tư cũng chỉ vay được một phần vốn tín dụng và phải tăng vốn chủ sở hữu hoặc tìm kiếm các hình thức huy động vốn khác để bù đắp.
Theo NHNN, để triển khai thành công các dự án cao tốc theo hình thức PPP, cần thực hiện tốt các giải pháp để thu hút được nguồn lực xã hội hóa. “Cho vay các dự án BOT giao thông có mức độ rủi ro cao; trường hợp tập trung tín dụng và xảy ra rủi ro, sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ GTVT cần báo cáo cấp có thẩm quyền có thể cho phép áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu, phí hoặc cơ chế giá phù hợp để hạn chế rủi ro cho tổ chức tín dụng cho vay đối với các dự án”, ông Đào Minh Tú đề xuất.
Bên cạnh đó, có 55 dự án BOT có doanh thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ 73.090 tỷ đồng, khách hàng rất khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng, do đó có khả năng nợ xấu sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy, các ngân hàng rất thận trọng trong cho vay đối với các dự án PPP giao thông mới.