Cổ phiếu SVD niêm yết trên sàn HoSE ngày 2/2/2021, với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 14.800 đồng/cổ phiếu, nhưng do kết quả kinh doanh lao dốc, thậm chí thua lỗ, giá cổ phiếu này liên tục giảm, tới ngày 27/9/2024 chỉ còn 3.410 đồng/cổ phiếu, tức giảm 74,4% từ khi niêm yết.
Thực tế, khi niêm yết, CTCP Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng đặt kỳ vọng trở thành doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam trong ngành sản xuất sợi. Tuy nhiên, sau gần 4 năm niêm yết, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này liên tục lao dốc. Trong đó, sau năm 2021 báo cáo lãi 11,69 tỷ đồng, 2 năm tiếp theo, Vũ Đăng đều ghi nhận kinh doanh thua lỗ (năm 2022 lỗ 2,38 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 36,53 tỷ đồng), chỉ mới có lãi nhẹ 960 triệu đồng trong nửa đầu năm 2024.
Với việc thua lỗ liên tục, tại thời điểm ngày 30/6/2024, Vũ Đăng có lỗ luỹ kế 28,8 tỷ đồng, bằng 10,43% vốn điều lệ; đồng thời sở hữu 5,36 tỷ đồng tiền mặt, nhưng tổng nợ vay lên tới 108,7 tỷ đồng, bằng gần 44% vốn chủ sở hữu.
Do liên tục thua lỗ dẫn tới xóa toàn bộ lãi lũy kế tích lũy trước khi niêm yết của Vũ Đăng. Việc lỗ cũng dẫn tới chất lượng nguồn vốn suy giảm và giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn vay mới. Việc phát hành thêm cổ phiếu (nếu có) sẽ gặp thách thức khi giá cổ phiếu quá thấp, chỉ 3.410 đồng/cổ phiếu so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Theo tìm hiểu, hoạt động kinh doanh của Vũ Đăng khá đơn giản, Công ty đang quản lý và khai thác 1 nhà máy tại tỉnh Thái Bình với diện tích 19.985,4 m2, chuyên sản xuất sợi và áp dụng công nghệ sản xuất kéo sợi đóng mở với công suất 7.721 tấn/năm, tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc…
Nguyên liệu đầu vào chủ yếu của Vũ Đăng là bông nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ, Tây Phi, Mỹ, Brazil. Trong đó, chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 77% chi phí giá vốn hàng bán và chiếm khoảng 75% tổng chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Như vậy, việc phụ thuộc vùng nguyên liệu nhập khẩu, khi mà nguyên liệu liệu chiếm tới 75% tổng chi phí hoạt động, đồng thời việc bán ra sản phẩm chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, nên kết quả kinh doanh của Vũ Đăng thiếu ổn định từ khi niêm yết tới nay.
Khi hoạt động cốt lõi của Vũ Đăng chưa khởi sắc, doanh nghiệp đã chuyển hướng tham gia đầu tư, phát triển dự án bất động sản.
Bà Lê Thị Vân Anh, Chủ tịch HĐQT Vũ Đăng tự tin vào tiềm năng lĩnh vực bất động sản, khi dự báo thị trường tích cực hơn năm ngoái dưới tác động của các bộ luật mới, đồng thời giá bất động sản cũng đang trên đà tăng. Bởi vậy, Công ty quyết định thông qua kế hoạch đầu tư, phát triển các dự án bất động sản.
Với thông tin lấn sân sang lĩnh vực mới, cổ phiếu SVD bật tăng mạnh trở lại trong thời gian qua. Trong đó, từ ngày 13/9 đến ngày 27/9, cổ phiếu SVD tăng 24,45%, từ 2.740 đồng lên 3.410 đồng/cổ phiếu.
Có thể thấy, trong bối cảnh lĩnh vực cốt lõi còn nhiều khó khăn, tiềm lực tài chính hạn chế và vẫn còn lỗ luỹ kế, Ban lãnh đạo Vũ Đăng vẫn tự tin mở rộng sang lĩnh vực khác để tạo câu chuyện mới, giúp giá cổ phiếu khởi sắc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, từ khi thông qua kế hoạch tới khi triển khai và mang lại kết quả còn thời gian dài, vì vậy đà tăng cổ phiếu thời gian qua chủ yếu là câu chuyện kỳ vọng.