Trong báo cáo ra hôm qua, hãng tư vấn Bain & Co dự báo đến năm 2025, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ có thể thêm 1.000 tỷ USD. Nguyên nhân là thương mại và tăng trưởng cải thiện với thương mại điện tử và các cơ hội khác cho doanh nghiệp trong thời kỳ kỹ thuật số.
Nền kinh tế số tại Đông Nam Á hiện chỉ đóng góp 7% GDP. Trong khi đó, con số này tại Trung Quốc là 16%, châu Âu là 27% và Mỹ là 35%. Vì vậy, khu vực này có tiềm năng rất lớn.
Báo cáo cho rằng chính phủ các nước ASEAN nên cải thiện thanh toán kỹ thuật số trong nước và khu vực, đồng thời có cách tiếp cận thống nhất về bảo vệ dữ liệu. Các lĩnh vực sẽ hưởng lợi lớn từ tích hợp kỹ thuật số là sản xuất, nông nghiệp, bán lẻ, giao thông, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông.
Bain cho rằng doanh thu các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mảng bán lẻ sẽ tăng trung bình 15% nếu chuyển sang thương mại điện tử. “Số hóa ở tầm vĩ mô rõ ràng sẽ gây chuyển biến trong nền kinh tế, cũng như bất kỳ làn sóng thay đổi nào trước đây, như sự bùng nổ máy tính. Bạn sẽ thấy có sự thay đổi về các giá trị được tạo ra, cách các công ty vận hành và kỹ năng mà người lao động cần có”, Florian Hoppe - lãnh đạo mảng hoạt động kỹ thuật số tại châu Á - Thái Bình Dương của Bain cho biết.
Dù vậy, 25% công ty vừa và nhỏ tham gia khảo sát của Bain cho rằng sự hạn chế về thanh toán xuyên biên giới là rào cản lớn nhất của họ trong việc bán hàng online ra nước ngoài. Gần ba phần tư khẳng định logistics và quy trình xuất khẩu là rào cản với thương mại xuyên biên giới. Một vấn đề khác là sự thiếu hụt kỹ năng, với hai phần năm cho rằng không có đủ nhân lực có kỹ năng số hóa cần thiết.