Theo bà, khái niệm “giải pháp y tế bền vững” nghĩa là gì? Nó có tầm quan trọng thế nào với các bệnh viện và cơ sở y tế tại Việt Nam và toàn cầu?
“Giải pháp y tế bền vững” là khái niệm do CEO mới của chúng tôi là ông John Flannery đặt ra. Trong quãng thời gian làm việc tại GE Healthcare Ấn Độ, ông Flannery đã chứng kiến những thách thức trong việc chăm sóc y tế đối với cả khu vực nhà nước và tư nhân tại đây. Vì vậy, ông đã đề ra khái niệm “giải pháp y tế bền vững”, bao gồm chẩn đoán sớm cho bệnh nhân, cung cấp công nghệ phù hợp và thực sự tạo nên điều khác biệt thông qua mức phí hợp lý và chuẩn hóa quy trình chuyên môn.
Bà Terri Bresenham, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc GE Healthcare vùng Nam Á, châu Phi và Đông Nam Á |
Trong bối cảnh của hệ thống y tế Việt Nam, chúng tôi nhận thấy những khó khăn tương tự như Ấn Độ. Khó khăn không chỉ dừng ở chuyện thiếu hụt công nghệ, mà còn là các vấn đề về nguồn vốn hay giáo dục - đào tạo. Điều này đã thúc đẩy chúng tôi phải tạo nên những giải pháp riêng cho các nền kinh tế đang phát triển.
Đây là cách mà chúng tôi định nghĩa “giải pháp y tế bền vững”, tập trung vào tất cả các mặt của vấn đề. Nhờ có tầm nhìn và sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam lẫn khu vực tư nhân, chúng tôi đã tự tin đặt ra những giải pháp giúp Việt Nam cải thiện cơ sở vật chất ngành y tế, qua đó là cải thiện chất lượng sức khỏe của người Việt.
Hiện trạng ngành chăm sóc y tế của Việt Nam đang ở vị trí nào trên bản đồ toàn cầu, thưa bà? Liệu ngành y tế đã đáp ứng được những thay đổi trong nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân hay chưa?
Những thách thức với ngành y tế Việt Nam là chất lượng và giá thành của các dịch vụ y tế, đặc biệt là với bộ phận lớn dân số không có bảo hiểm y tế. Các bệnh viện thứ cấp hàng ngày tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân. Ở một số tỉnh, thành phố, người dân phụ thuộc vào một cơ sở y tế duy nhất, dẫn đến việc phải di chuyển xa.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cấp hạ tầng y tế tại các thành phố hạng hai để giảm áp lực này. Theo tôi, nếu ngành y tế giải quyết được vấn đề nổi cộm này, bộ mặt của ngành sẽ thay đổi.
Dân số Việt Nam ngày càng gia tăng sẽ ảnh hưởng thế nào với ngành y tế? Liệu vấn đề này có khiến người dân ngày càng khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay không?
Tăng dân số đương nhiên là một thách thức, vì nó sẽ gây áp lực lên hệ thống y tế vốn đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy vậy, các phát minh khoa học và quy trình chăm sóc y tế liên tục được cải thiện và quan trọng là các công nghệ mới trong ngành không phải lúc nào cũng đắt đỏ.
Tôi thực sự rất vui khi thấy Chính phủ Việt Nam quan tâm đặc biệt đến ngành y tế và tập trung đầu tư vào các giải pháp bền vững. Chính phủ đã cố gắng cải thiện chất lượng ngành y tế, kiểm soát vấn đề giá thành và giúp nhiều người dân có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo bà, giáo dục và đào tạo sẽ đóng vai trò ra sao trong việc đẩy mạnh chăm sóc y tế bền vững tại một thị trường mới nổi như Việt Nam?
Tôi xin lấy Ấn Độ làm ví dụ. Hơn hai năm trước, chúng tôi bắt đầu hợp tác với Chính phủ Ấn Độ nhằm cấp học bổng cho các em học sinh, sinh viên nghèo, không đủ khả năng theo học ngành công nghệ y tế. Những em này được chính các bác sĩ, nhân viên y tế và người đứng đầu làng, xã đề cử. Sau khi tốt nghiệp, các em nhận được chứng chỉ hành nghề và quan trọng nhất là các kỹ năng cần thiết để bắt đầu sự nghiệp chăm sóc y tế.
Ban đầu, chương trình này khởi động với vỏn vẹn 20 sinh viên, năm nay chúng tôi đã chào đón hơn 1.600 em tốt nghiệp các khóa đào tạo y tế. Mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là đào tạo 10.000 sinh viên tại Ấn Độ và tạo điều kiện cho các em có công ăn việc làm ổn định trong ngành chăm sóc sức khỏe.
Việt Nam cũng có vấn đề thiếu hụt bác sĩ và các nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho lượng dân số lớn. Với một đối tác chung tầm nhìn, chúng tôi tự tin rằng, một chương trình học bổng tương tự là hoàn toàn khả thi tại Việt Nam. Các sinh viên sẽ được tiếp cận với công nghệ y tế mới nhất, sử dụng cơ sở vật chất hiện đại và giảng viên được chứng nhận, giúp các em có khởi đầu tốt nhất cho sự nghiệp sau này.
GE Healthcare đã làm gì để giảm chi phí chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, cũng như giới thiệu những giải pháp công nghệ nào đến thị trường này?
Chúng tôi vừa hợp tác với Bệnh viện Ninh Bình nhằm giảm thiểu chi phí đi lại cho các bệnh nhân, đồng thời ra mắt những công nghệ chăm sóc y tế hiện đại. Thông qua chương trình này, nhiều bệnh nhân tại Ninh Bình đã có thể được chẩn đoán bệnh mà không cần phải di chuyển 75 -100 km để tới Hà Nội hay Hải Phòng. Điều này vô cùng quan trọng với các tình huống khẩn cấp như tai nạn giao thông, giúp người bị nạn có khả năng sống sót cao hơn.
Một ví dụ khác là ký kết hợp tác chiến lược toàn diện của chúng tôi với Vinmec. Chúng tôi phối hợp với Vinmec nhằm xây dựng hệ thống chăm sóc y tế đạt chuẩn quốc tế, bao gồm áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp, số hóa các dịch vụ chăm sóc y tế và xây dựng chương trình đào tạo tại Đại học Khoa học sức khỏe Vinmec sắp được thành lập.
Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các bệnh viện và tổ chức y tế phù hợp khác, cũng như với Chính phủ Việt Nam, để chung tay cải thiện hệ thống chăm sóc y tế trên cả nước.