Tài chính - Chứng khoán
Gemadept tăng tốc M&A
Anh Hoa - 12/11/2023 07:38
Sau khi thoái vốn tại một loạt dự án, CTCP Gemadept đang chờ cơ hội đầu tư các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) mới để hoàn thiện hệ sinh thái.
Gemadept đang khai thác hệ thống cảng từ Bắc vào Nam

Chặt mắt xích quan trọng trong mạng lưới cảng tại miền Bắc

HĐQT CTCP Gemadept vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 999.800 cổ phần của Công ty tại CTCP Cảng Nam Hải, tương đương 99,98% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Đồng thời, HĐQT Gemadept cũng thông qua việc ủy quyền Tổng giám đốc thực hiện các công việc liên quan giao dịch chuyển nhượng.

Trước thời điểm Gemadept thông qua quyết định chuyển nhượng, Cảng Nam Hải là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cảng tại miền Bắc của Gemadept và cũng là dấu ấn đầu tiên trong chiến lược “Bắc tiến”, khi đẩy mạnh phát triển mạng lưới khai thác cảng ra thị trường miền Bắc.

Cảng Nam Hải được đưa vào khai thác từ tháng 2/2009, trụ sở chính tại số 201 - Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Khi đó, CTCP Cảng Nam Hải còn là công ty liên kết, liên doanh của Gemadept, với tổng vốn đầu tư gần 27,6 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn. Đến năm 2010, Gemadept nâng tỷ lệ sở hữu tại Cảng Nam Hải lên 99,98%. Tính đến thời điểm hiện tại, Cảng Nam Hải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Gemadept không thay đổi.

Trải qua 14 năm khai thác, ngoài việc đóng góp vào kết quả kinh doanh chung của Gemadept, Cảng Nam Hải còn tạo tiền đề để Gemadept tiếp tục mở rộng đầu tư, phát triển các dự án cảng khác tại Hải Phòng, bao gồm Cảng Nam Hải Đình Vũ (đã thoái vốn toàn bộ trong quý II/2023), cụm cảng Nam Đình Vũ và Nam Hải ICD.

Được biết, cảng Nam Hải có đầy đủ chức năng cảng, cửa khẩu quốc tế để thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa nội địa. Ngoài ra, cảng Nam Hải còn cung cấp chuỗi dịch vụ khép kín, gồm dịch vụ depot, vận chuyển đa phương thức bằng sà lan, đầu kéo, khai thác kho bãi, hàng rời, dịch vụ hải quan… Cảng có công suất 200.000 TEUs/năm.

Đây không phải lần đầu tiên, Gemadept thực hiện thoái vốn tại các cảng đang hoạt động trong năm nay. Tháng 5/2023, Công ty cũng thoái toàn bộ 84,66% vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ cho nhóm nhà đầu tư gồm CTCP Container Việt Nam (Viconship), Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy, Công ty TNHH Thương mại - Kim khí - Xuất nhập khẩu Huy Hoàng và ông Nguyễn Đình Hưởng.

Thương vụ này đã mang về khoản lợi nhuận đột biến hơn 1.844 tỷ đồng cho Gemadept, đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh năm nay. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Gemadept ghi nhận doanh thu thuần 2,812 tỷ đồng, giảm 1%, nhưng lãi ròng tăng đến 161%, lên 2,107 tỷ đồng, vượt 154% kế hoạch lợi nhuận năm.

Gemadept đang khai thác hệ thống cảng từ Bắc vào Nam, như cảng Nam Hải, cảng Nam Hải Đình Vũ (khai thác đến ngày 31/5/2023), cảng Nam Đình Vũ, Nam Hải ICD, cảng Dung Quất, cảng Phước Long, cảng Bình Dương và cảng nước sâu Gemalink Cái Mép.

Doanh thu còn lại đến từ hoạt động logistics, cho thuê văn phòng và hoạt động khác, đạt 218,2 tỷ đồng, tăng 3%.

Năm 2023, Gemadept đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.920 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.136 tỷ đồng (chưa bao gồm lợi nhuận từ việc thoái vốn tại CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ).

Tận dụng cơ hội làm giàu hệ sinh thái

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 hồi tháng 6, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Gemadept cho biết, ngành cảng biển, logistics gặp khó khăn chung từ tháng 8 - 9 năm ngoái tới nay và tình hình kinh doanh còn rất khó khăn. “Nếu tình hình xấu hơn, thì phải hết năm năm 2023, hoặc sang năm 2024 mới có khả năng phục hồi. Mọi chuyện phụ thuộc tình hình kinh tế chung, nhu cầu hàng hóa tại thị trường chính…”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, việc thoái vốn tại CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ nhằm tăng quy mô, tối ưu chi phí hoạt động, từ đó có cơ sở tích hợp với các dịch vụ khác trong hệ sinh thái.

Lãnh đạo của Gemadept cũng cho biết, vị trí của cảng Nam Hải không còn phù hợp với việc phát triển cảng, nên Công ty đã di chuyển dịch vụ xuống cảng Nam Đình Vũ để tạo thành một cụm cảng lớn.

Số tiền sau thoái vốn Nam Hải Đình Vũ, Gemadept sẽ dùng để đầu tư, thực hiện M&A nhằm tận dụng cơ hội làm giàu hệ sinh thái. Không chỉ vậy, Gemadept cũng tìm đối tác để thoái vốn dự án cao su ở Campuchia để dồn lực cho các dự án cốt lõi.

Hiện tại, dự án này trồng và phát triển tốt nhất ở khu vực, nhưng vì có kế hoạch thoái vốn, nên Công ty chỉ duy trì chăm sóc tối thiểu. Thời gian qua, Công ty đã thành lập Ban Dự án, quyết tâm tìm kiếm đối tác chiến lược và khi tìm được sẽ thoái vốn dự án trên. Động thái này mở ra cơ hội M&A cho đối tác trong và ngoài nước.

Diễn đàn M&A việt nam 2023

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (ngày 28/11/2023).

Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp và nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.

Một điểm nhấn khác là tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.

Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55
Tin liên quan
Tin khác