Tài chính - Chứng khoán
Genco 3 sẽ IPO vào tháng 3/2016
Thanh Hương - 01/01/2015 18:00
Ngày 1/1/2015 được lấy là thời điểm để xác định giá trị doanh nghiệp của Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) phục vụ việc cổ phần hóa.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Genco 3 tiên phong cổ phần hóa
Lên kế hoạch cổ phần hóa nhiều Tổng công ty "khủng"
Thiếu vốn nghiêm trọng, Genco cầu cứu EVN

Genco 3 là một trong 3 tổng công ty phát điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được thành lập hồi năm 2012 và chính thức hoạt động từ năm 2013. Vào tháng 9/2013, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) xây dựng kế hoạch cổ phần hóa các Genco trực thuộc, chuẩn bị cho hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thuộc Genco 3

Theo kế hoạch, EVN sẽ chọn 1 trong 3 Genco để thí điểm cổ phần hóa và sau đó sẽ triển khai tiếp tại các Genco còn lại. Việc chọn Genco 3 là đơn vị thực hiện thí điểm cổ phần hóa được đưa ra sau khi EVN tiến hành đánh giá, so sánh điểm mạnh, yếu của các đơn vị. Vào tháng 8/2014, Bộ Công thương đã phê duyệt chủ trương cổ phần hóa Genco 3 với thời điểm chốt giá trị doanh nghiệp vào ngày 1/1/2015.

Hiện mục tiêu được đặt ra cho tiến trình cổ phần của Genco 3 là sẽ đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 3/2016, sau đó thực hiện đại hội cổ đông lần đầu vào tháng 5/2016.

Bởi đây là lần đầu cổ phần hóa một tổng công ty phát điện với quy mô lớn, nên để hỗ trợ tiến trình cổ phần hóa, Genco 3 sẽ tìm kiếm nhà tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và nhà tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa, đồng thời chọn nhà đầu tư chiến lược.

Theo đánh giá của EVN, tính đến ngày 31/3/2014, vốn chủ sở hữu ở Genco 1 là 13.858 tỷ đồng, Genco 2 là 10.272 tỷ đồng và Genco 3 là 12.327 tỷ đồng. Tổng tài sản của cả 3 Genco lên tới 172.663 tỷ đồng (Genco 1: 64.977 tỷ đồng, Genco 2: 28.934 tỷ đồng và Genco 3: 78.751 tỷ đồng). Với quy mô vốn và tài sản lớn mà các Genco đang nắm giữ, việc cổ phần hóa và bán cổ phiếu ra công chúng cũng được các chuyên gia e ngại nhất định.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV của EVN cho hay, trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn trầm lắng, việc đưa các doanh nghiệp có vốn lớn ra IPO sẽ gặp những khó khăn nhất định. “Chúng tôi đã thảo luận việc bán cổ phần Genco với một số nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư dự án điện BOT tại Việt Nam, nhưng họ không mặn mà với việc tham gia mua cổ phần của một công ty mẹ có quy mô lớn như Genco. Nếu mua cổ phần từng nhà máy, khả năng tham gia của các nhà đầu tư ngoại này sẽ cao hơn bởi thông tin đầy đủ và sẽ ít rủi ro hơn”, ông Vượng nói.

Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, vốn lớn mà kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận cao thì nhà đầu tư vẫn quan tâm đầu tư. Trong khi đó, nhìn vào kết quả kinh doanh của cả các Genco lại thấy hiệu quả chưa như mong đợi.

Cả 3 Genco đều vay vốn rất lớn, chỉ có Genco 1 có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,98, còn tỷ lệ này ở Genco 1 là 4,08 và của Genco 3 là 6,37 - một tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu quá cao so với nhiều tổng công ty nhà nước khác.

Kết quả sản xuất, kinh doanh của 3 Genco trong năm 2013 được ghi nhận là đều có lãi. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Genco 1 là 305 tỷ đồng; của Genco 2 là 2.523 tỷ đồng và Genco 3 là 283 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của Genco 1 và 3 đều là 2,2%; chỉ có Genco 2 đạt cao nhất: 22,8%. Nhưng các khoản lợi nhuận trên đều chưa tính lỗ do chênh lệch tỷ giá và nếu tính đầy đủ chênh lệch tỷ giá, cả 3 tổng công ty này đều lỗ.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm thuận lợi trong cổ phần hóa Genco. Đó là các Genco không thuộc diện Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối, nên có thể mạnh tay bán cổ phần cho đối tác chiến lược, nhà đầu tư với tỷ lệ cao để họ có thể tham gia điều hành. Ngoài ra, giá điện đang có xu hướng được điều chỉnh tăng theo lộ trình trong những năm tới, nên sẽ có sự đảm bảo nhất định về lợi nhuận và có tính ổn định so với đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác.

Nguồn hàng IPO đại náo thị trường

Các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và đấu giá cổ phần sẽ liên tục diễn ra trong thời gian tới. Trong số này, cổ phần của đại gia nào sẽ đốt nóng thị trường?

Tin liên quan
Tin khác