Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Gia Lai năm 2020 được giao là 3.460,7 tỷ đồng. Tính đến ngày 23/3/2020, khối lượng thực hiện đạt 15,3% và giải ngân đạt 14,3% kế hoạch.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai, năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 30 công trình khởi công mới và 62 công trình, dự án chuyển tiếp. Hiện vẫn còn 12 công trình mới và 8 công trình chuyển tiếp chưa triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải có giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, việc giải ngân đầu tư công còn thấp một phần nguyên nhân khách quan là việc triển khai, áp dụng chính sách mới như Luật Đầu tư công, Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ; riêng đơn giá đền bù nhiều nơi không phù hợp với đơn giá của thị trường thì trách nhiệm chính thuộc về các chủ đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đồng thời nghiêm khắc phê bình các chủ đầu tư dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
Chủ tịch Võ Ngọc Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong thời gian tới phải tập trung tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đặc biệt, đối với các công trình thủy lợi, phải đảm bảo chất lượng công trình, đảm bảo ngăn dòng trước mùa mưa. Với các công trình này, trách nhiệm của các huyện là giao mặt bằng sạch cho chủ dự án, nếu không ngăn dòng đúng thời điểm mà nguyên nhân do giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm.
Đối với các công trình thiếu vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước làm việc với các chủ đầu tư để có hướng xử lý cụ thể từng dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát lại các mỏ đá để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tạo thế độc quyền để nâng giá của một số doanh nghiệp.
Về các công trình thuộc Chương trình nông thôn mới, công trình của huyện và của xã, các địa phương phải tiến hành nhanh, để sớm đưa công trình vào phục vụ cuộc sống cho dân và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, rà soát lại các Ban Quản lý dự án, thay thế ngay các cán bộ không đủ năng lực. Thực hiện đúng quy định trong đấu thầu công khai, minh bạch. Các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình, không đùn đẩy trách nhiệm, hằng tuần phải đi kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm để kịp thời xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, ách tắc, nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.