Gia Lai thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp vì có thuận lợi về thổ nhưỡng |
Vùng nguyên liệu dồi dào
Gia Lai có diện tích đất tự nhiên trên 15.000 km2, trong đó trên 1,4 triệu ha là đất nông nghiệp. Tuy vậy, trên thực tế hiện nay diện tích canh tác cũng mới chỉ đạt hơn 1/3 tổng diện tích đất nông nghiệp.
Một điểm đáng chú ý khác đó là địa hình Gia Lai phân thành 3 vùng rõ rệt, nằm đan xem nhau đó là thung lũng đồng bằng (Ayunpa, Phú Thiện…), vùng cao nguyên (Pleiku, Kon Hà Nùng), vùng đồi núi (Kon Ka Kinh, Mang Yang, Đức Cơ…). Do đặc điểm địa hình, nên khí hậu Gia Lai cũng phân thành 3 vùng khác nhau, nhưng tựu trung vẫn thuộc vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm, có lượng mưa lớn, không có bão và sương muối.
Có thể nói, với những điều kiện về đất đai khí hậu như trên, Gia Lai rất thích hợp cho việc phát triển hình thành nên những vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày đa dạng, ngành chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông - lâm nghiệp. Với cơ sở là những thế mạnh đó, Gia Lai là địa phương rất có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại, tiên tiến.
Toàn tỉnh Gia Lai có trên 100.000 ha cao su, với sản lượng 93.500 tấn mủ khô/năm; khoảng 80.000 ha cà phê, với sản lượng gần 200.000 tấn cà phê nhân/năm; 14.500 ha tiêu, sản lượng 43.600 tấn/năm; 17.000 ha điều, sản lượng 14.000 tấn/năm; 38.600 ha mía, sản lượng hơn 2,2 triệu tấn/năm; 63.500 ha mì, sản lượng 1.180.000 tấn/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2016, Gia Lai gieo trồng được hơn 190.000 ha cây trồng các loại, trong đó 37.400 ha ngô, 15.900 ha đậu các loại, 1.400 ha lạc, 2.500 ha cao su, 1.400 ha cà phê, 1.200 ha tiêu, 1.400 ha mía, 3,5 ha thuốc lá và hơn 2.000 ha mè.
Về chăn nuôi, hiện nay tổng sản lượng thịt trâu, bò hơi của Gia Lai đạt gần 20.000 tấn, thịt heo hơi 42.000 tấn và 2.500 tấn thủy sản.
Có thể nói, với nguồn nguyên liệu dồi dào, sản lượng chất lượng ngày càng tăng lên, các công trình giao thông được đầu tư đồng bộ giúp Gia Lai kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố ở các khu vực ngoài Tây Nguyên. Cùng với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn được đầu tư đồng bộ đang là điều kiện không thể thuận lợi hơn để Gia Lai có thể phát triển ngành công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, trước hết, Gia Lai cần có chiến lược thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ nhằm biến việc xuất thô các sản phẩm cây- con công nghiệp lâu nay sang xuất sản phẩm chế biến sâu nhằm làm tăng giá trị.
Sẽ có những ưu tiên cho nhà đầu tư
Xác định được thế mạnh trọng tâm, Gia Lai cũng đã ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có một số ngành thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến.
Theo đó, có 11 dự án được kêu gọi đầu tư thuộc ngành công nghiệp chế biến như Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc, Nhà máy Chế biến súc sản tại TP. Pleiku, huyện Mang Yang, Huyện Chư Sê; Nhà máy Chế biến cà phê hòa tan và cà phê bột (nguyên liệu đầu vào được sản xuất theo quy trình UTZ, 4C, VietGap); Nhà máy Chế biến tiêu hạt và tiêu bột (nguyên liệu đầu vào được sản xuất theo quy trình VietGap); Nhà máy Chế biến dược liệu; Nhà máy Chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả; Nhà máy Nước ép hoa quả; Nhà máy Sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ mủ cao su; Nhà máy Chế biến các sản phẩm sau đường…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai, các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến được hỗ trợ đầu tư bao gồm ngành sản xuất các sản phẩm từ cao su; chế biến cà phê hoà tan và cà phê bột; chế biến sản phẩm hồ tiêu bao gồm tiêu bột và tiêu hạt; sản xuất tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm...
Theo đó, các chính sách bao gồm hỗ trợ về san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn, hạ tầng kỹ thuật đối với các dự án thuộc ngành nghề hỗ trợ đầu tư; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (đường giao thông, điện, nước - tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án). Đối với các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu - cụm công nghiệp, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí san lấp mặt bằng và rà phá bom mìn, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án... Hỗ trợ chi phí lập dự án đầu tư và chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc ngành nghề hỗ trợ đầu tư (không quá 200 triệu đồng/1 dự án). Hỗ trợ kinh phí tham gia triển lãm, chợ công nghệ (tối đa 30 triệu đồng với triển lãm trong nước, tối đa 50 triệu đồng với triển lãm các nước thuộc châu Á, tối đa 80 triệu đồng với triển lãm ngoài châu Á).
Nhiều chuyên gia đánh giá, mặc dù vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết mức, tuy nhiên, về cơ bản ngành công nghiệp chế biến Gia Lai vẫn có những nền tảng căn cơ để tin rằng rồi đây sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh và cả khu vực Tây Nguyên khi sự hội nhập toàn cầu của nền kinh tế đang mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu các sản phẩm. Gia Lai có những “anh cả” đầu ngành này như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long, Đường An Khê và sắp tới đây tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Gia Lai 2016 sẽ có thêm những “con sếu đầu đàn” trong lĩnh vực này tụ họp về để chắc chắn rằng, công nghiệp chế biến của Gia Lai sẽ vươn xa .