Bên trong Cụm công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku, Gia Lai). |
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có một cụm công nghiệp đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, nhưng chưa thành lập; 9 cụm công nghiệp đang triển khai các bước để thành lập. Nhiều cụm công nghiệp đã được đầu tư các hạng mục như: giải phóng mặt bằng, san ủi mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện, điện chiếu sáng, xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải tập trung và hệ thống cây xanh.
Hiện Gia Lai có 8 cụm công nghiệp đã thu hút 72 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư với diện tích 119,56 ha, tổng vốn đăng ký hơn 2.279 tỷ đồng. Trong đó, 54 dự án đang đầu tư và đi vào hoạt động với diện tích 75,33 ha, vốn đầu tư hơn 1.634 tỷ đồng. Các dự án đi vào hoạt động thu hút 1.165 lao động, doanh thu hàng năm hơn 1.286 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết, hầu hết các cụm công nghiệp được quy hoạch, bố trí tại những vị trí có tính kết nối cao, dọc các tuyến quốc lộ 19, 14, 25, tạo sự thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, thông thương. “Để tiếp tục quy hoạch, mở rộng và bổ sung, cải thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, Sở Công thương đã hướng dẫn triển khai các quyết định phê duyệt kết quả đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn”, ông Binh chia sẻ.
Ngoài các cụm công nghiệp có điều kiện thuận lợi về vị trí như Cụm công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku), Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang, Cụm công nghiệp An Khê, thì các cụm công nghiệp còn lại gặp khó khăn trong thu hút đầu tư.
Nguyên nhân là nguồn vốn của các địa phương còn hạn chế, nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Việc xử lý cụm công nghiệp đã được Nhà nước đầu tư một phần từ nhiều nguồn vốn khác nhau để chuyển sang cho các nhà đầu tư hạ tầng theo hình thức xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể.
Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Gia Lai nhấn mạnh, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trước hết cần tập trung xã hội hóa đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư. Tỉnh phấn đấu trong năm 2023, hình thành 4 cụm công nghiệp theo hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Trong các năm tiếp theo, tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo phương án phát triển cụm công nghiệp được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.
Về phía Sở Công thương, ông Phạm Văn Binh khẳng định, thời gian tới, Sở tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, hoàn thiện hồ sơ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư; tổng hợp thẩm định trình UBND tỉnh quyết định thành lập Cụm công nghiệp Ia Grai, Cụm công nghiệp số 1 huyện Đak Pơ, mở rộng Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang; tiếp tục hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố về công tác lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, Gia Lai sẽ hình thành và phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp tập trung thành các tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh quy mô lớn, có tính chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị trong các lĩnh vực: công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm... theo hướng cụm công nghiệp chuyên ngành.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng sản xuất để tạo môi trường thuận lợi thu hút vốn đầu tư và cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và đạt tỷ lệ lấp đầy từ 60% trở lên.
Ngoài ra, hỗ trợ, hướng dẫn, thẩm định và trình UBND tỉnh cho phép mở rộng các cụm công nghiệp có nhu cầu. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, hình thành 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.948 ha; trong đó có 10 cụm công nghiệp theo mô hình cụm công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường.