Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến hết quý III đạt 5,17 triệu con và quý IV đạt 5,36 triệu con (tăng 68% so với 1/1/2020). |
Theo báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá lợn hơi mấy ngày gần đây đã giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất, bình quân ở mức 77.000 - 83.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá thành sản xuất khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg lợn hơi, các trang trại, doanh nghiệp vẫn thu lãi khủng.
Báo cáo cũng cho biết, tính đến tháng 7/2020, đàn lợn thịt của doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn đạt trên 4,88 triệu con, tăng 52,8% so với 1/1/2019 (trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi) và tăng 46,8% so với 1/1/2020. Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến hết quý III đạt 5,17 triệu con và quý IV đạt 5,36 triệu con (tăng 68% so với 1/1/2020).
Giá lợn hơi liên tục lập kỷ lục đã giúp các doanh nghiệp này thu lãi khủng. Chỉ tính riêng Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, tính đến tháng 6/2020, đàn lợn của doanh nghiệp này đạt 2,6 triệu con, tăng 1,1 triệu con so với thời điểm 1/1/2019 và tăng trên 200.000 con so với thời điểm từ đầu năm nay.
Diễn biến này cho thấy Công ty chăn nuôi CP Việt Nam gần như đã đẩy tối đa công suất chăn nuôi ở trại hiện có. Trong báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, CP Group (công ty mẹ của Công ty chăn nuôi CP Việt Nam) có doanh thu tăng 35%, lên mức 52,5 tỷ baht Thái Lan (tương ứng 39.000 tỷ đồng). Theo lý giải của doanh nghiệp, nguồn thu tăng chủ yếu đến từ giá thịt lợn tăng 84% kể từ đầu năm đến nay.
Một “đại gia” khác trong ngành chăn nuôi là Tập đoàn Dabaco, 6 tháng đầu năm đạt doanh thu 4.605 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế hơn 750 tỷ đồng, tăng gấp 28 lần so với nửa đầu năm ngoái và vượt xa chỉ tiêu đạt 457 tỷ đồng kế hoạch cả năm 2020, trong đó có đóng góp đáng kể từ thị trường thịt lợn giữ giá ở mức cao.
Trong 6 tháng qua, Dabaco tăng đàn lợn nái từ 28.000 con lên khoảng trên 38.000 con. Sắp tới doanh nghiệp này sẽ vận hành thêm 2 dự án trang trại nuôi lợn quy mô lớn tại Thanh Hóa và Hòa Bình.
Công ty phát triển chăn nuôi Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) cũng có tốc độ tái đàn ấn tượng, tổng lợn thương phẩm tháng 1 chỉ có trên 50.600 con, nhưng đến tháng 6 đã có trên 126.000 con. Doanh thu từ chăn nuôi và nông nghiệp tăng trưởng 42% trong nửa đầu năm, đạt 5.043 tỷ đồng và là mảng đóng góp lớn thứ 2 cho tập đoàn, chỉ đứng sau thép.
Hòa Phát hiện có hệ thống trang trại lớn cung cấp lợn giống bố mẹ, lợn giống thương phẩm, lợn thịt chất lượng cao tại các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bình Phước. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu nâng công suất chăn nuôi lên tới 450.000 đầu lợn thương phẩm/năm.
Theo Cục Chăn nuôi, giá thịt lợn tăng cao cũng là động lực khiến nhiều doanh nghiệp tái đàn. Cụ thể với Công ty CJ, tổng đàn lợn thương phẩm trong tháng 1 chỉ có trên 212.000 con, nhưng đến tháng 6 tăng lên trên 683.000 con (tăng trên 300%).
Theo Tập đoàn Mavin, hiện nay đã phục hồi sản xuất chăn nuôi heo bằng với quy mô tại thời điểm trước khủng hoảng Dịch tả theo Châu Phi và dự kiến các tháng cuối năm có thể đạt mức tăng trưởng từ 15-20%. Tính tới thời điểm tháng 6/2020, Mavin sở hữu 30.000 lợn nái sinh sản và đạt quy mô 150.000 chuồng nuôi, có thể sản xuất từ 400.000 – 500.000 lợn thịt thương phẩm mỗi năm. Hiện Mavin không cung cấp lợn giống ra bên ngoài mà giữ lại để đưa vào hệ thống trang trại của Tập đoàn này phục vụ nâng công suất chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi cũng nhận định: “Giá lợn như thời gian vừa qua là doanh nghiệp quá lãi. Dù giá lợn hơi xuất chuồng từ 80.000 - 81.000 đồng/kg nhưng thực tế doanh nghiệp tìm đủ mọi cách bán hàng để có lợi nhuận cao như thay vì bán lợn hơi thì lại đưa vào giết mổ, bán thịt mảnh”.
Đại diện Cục Chăn nuôi cũng thông tin, hiện tại chủ trương đẩy mạnh tái đàn theo hướng an toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các giải pháp mạnh mẽ đến thời điểm này đã thu được kết quả khả quan, sản phẩm thịt lợn của quá trình tái đàn đã bắt đầu tung ra thị trường, kéo giá lợn hơi dần đi vào trạng thái bình ổn.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi trong 1 tuần nay xuất tại cửa chuồng đã giảm 15.000 - 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Theo đó, giá lợn hơi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 80.000 - 83.000 đồng/kg; khu vực Đông Nam Bộ (Đồng Nai) giá lợn hơi khoảng 79.000 - 82.000 đồng/kg; khu vực miền Trung giá lợn hơi đạt 77.000 - 79.000 đồng/kg; miền Bắc giá lợn hơi vẫn cao nhất: 80.000 - 83.000 đồng/kg.
Nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành nuôi lợn khoảng 71.000 đồng/kg lợn hơi, nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg lợn hơi. Như vậy, với mức giá hiện nay, các trang trại, doanh nghiệp vẫn đảm bảo lãi khủng.
Đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018).