- Bộ Công thương đề xuất chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ các dự án điện
- Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 1: Trĩu nặng “nỗi lo than”
- Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 2: Mòn mỏi dự án dầu khí
- Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 3: Mối lo “3 không” từ nguồn điện
- Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 4: Đường xa với năng lượng sạch
- Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 5: Không thể là “gót chân Asin”
Quy hoạch điện: Cứng hay linh hoạt
Tình trạng nhiều dự án điện lớn được ghi trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã không được triển khai theo đúng kế hoạch hay việc bổ sung lượng lớn các dự án điện mặt trời và gió như giải pháp về cấp điện trong khi mức độ huy động lại hạn chế khiến cho phiên giải trình về "Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức đầu tuần này với Bộ trưởng Bộ Công thương đã nhận được nhiều sự quan tâm.
Tổng công suất nguồn điện của hệ thống hiện là khoảng 58.000 MW |
Cho rằng “quy hoạch điện có phần tích cực”, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị các đại biểu nhận xét việc “nhiều ý kiến cho rằng, Quy hoạch điện vừa qua có phần xơ cứng, chậm điều chỉnh và chậm cập nhật với tình hình nên mất cơ hội trong đầu tư cho điện”.
Liên quan đến vấn đề này, theo Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Quy hoạch điện có phần cứng nhắc khi xác định cụ thể quy mô, thời gian vận hành lẫn chủ đầu tư khiến cho có những nhà đầu tư không đủ năng lực về kinh tế, kỹ thuật vẫn được giao dự án dẫn tới chậm tiến độ hay có sự chuyển nhượng, chào bán dự án cũng như khi thay đổi về quy mô, thời gian vận hành lại mất rất nhiều thời gian đề xin phép cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh, làm nhà đầu tư mất cơ hội.
Dẫu vậy, khi so sánh giữa mục tiêu đạt 850 MW điện mặt trời vận hành vào năm 2020 của Quy hoạch đặt ra với thực tế có hơn 5.000 MW điện mặt trời vào hoạt động, chính Đại biểu Đỗ Văn Sinh cũng cho rằng, việc công suất điện mặt trời vận hành trong thực tế gấp nhiều lần so với Quy hoạch đặt ra trong khi lưới điện không kịp đầu tư lại dẫn tới hệ số huy động công suất thấp, gây lãng phí nguồn lực của tư nhân, nhà nước lẫn nhân dân.
Thực tế phát triển điện mặt trời, điện gió thời gian qua cũng là minh chứng rõ nét nhất cho câu chuyện Quy hoạch điện nên “linh hoạt” không cần ghi rõ cụ thể dự án để có thể “linh động”, “bổ sung nhanh chóng theo mong muốn của nhà đầu tư” với cái kết là trăm hoa đua nở khi đã có khoảng 23.000 MW điện gió và điện mặt trời được bổ sung vào Quy hoạch.
Đã có 23.000 MW điện mặt trời và điện gió được bổ sung vào Quy hoạch điện trong khoảng 2 năm qua |
Con số 23.000 MW điện gió và điện mặt trời được quy hoạch trong 2 năm qua nếu so với tổng công suất nguồn được xây dựng của cả hệ thống trong khoảng 70 năm qua mới chỉ là 58.000 MW chắc chắn sẽ để lại nhiều băn khoăn cho những người thực sự quan tâm tới phát triển điện.
Là hàng hoá đặc biệt khi sản xuất và tiêu thụ đồng thời, hay bắt buộc phải có thiết bị vận chuyển riêng có nên chuyện Quy hoạch điện nên “cứng” hay “linh hoạt” dưới từng góc độ khác nhau sẽ có những cách hiểu và mong muốn khác nhau.
Còn nhớ, khi có thêm 7.000 MW điện gió mới được đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhanh chóng trình lên bản tính đầu tư thêm các đường dây truyền tải để kịp đồng bộ với các dự án điện gió nói trên, nhằm tránh tình trạng có nhà máy mà không có đường dây như với điện mặt trời giữa năm 2019.
Tuy nhiên, bởi không yêu cầu cụ thể về thời gian phải hoạt động nhà máy, nên hàng loạt dự án điện gió của các nhà đầu tư tư nhân vẫn đang tiếp tục nghe ngóng xem giá mua điện gió hiện nay có gia hạn thêm so với mốc ngày 31/10/2021, trước khi xuống tiền thật.
Trong khi đó, Báo cáo của Ban chỉ đạo điện Quốc gia tháng 5/2020 cho thấy, thời gian để thực hiện các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng cho các đường truyền tải là khoảng 300 ngày, chưa tính tới thời gian cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đào đúc móng, kéo rải căng dây.
Bởi vậy, nếu làm sớm đường dây mà nhà máy chưa biết bao giờ có thì chi phí đầu tư đường dây vẫn phải tính ngay vào giá thành sản xuất điện tổng thể dù không có thêm tý điện nào.
Đơn cử, tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016 - 2030 khi tổng hợp tiến độ thực hiện tại 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW cũng cho thấy, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch.
Thực tế nhiều dự án điện dù được ghi trong Quy hoạch điện quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng bị địa phương từ chối triển khai cũng khiến Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đặt ra câu hỏi về “tính tuân thủ pháp luật của các địa phương lẫn vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quy hoạch”.
Như vậy, việc xây dựng Quy hoạch điện mới nếu ưu tiên “linh hoạt” cũng kéo theo các vấn đề như nguồn lực tài chính hay mặt bằng dự án cũng phải linh hoạt theo, mà điều này thì lại là những thách thức không nhanh giải quyết ở các dự án lớn khi giá điện chưa vận hành theo thị trường.
Giá điện thị trường có lên, có xuống
Cho rằng, từ năm 2011 đến nay đã có 9 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện, nhưng đều là điều chỉnh tăng, chưa bao giờ giảm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm cũng nhận xét, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công thương chưa nỗ lực hết mình trong việc giảm giá thành sản xuất điện để giảm giá bán, nhiều yếu tố giảm giá thành điện chưa được quyết liệt thực hiện, biểu tính giá điện hiện nay không hợp lý, cách tính giá điện ngoài sinh hoạt bất cập, người dân vẫn phải bù giá điện cho sản xuất.
“Các báo cáo chỉ định hướng để cấp đủ điện, chưa tính và suy xét giá các loại nguồn điện để so sánh và định hướng tỷ trọng phát triển các loại nguồn điện với mục tiêu cung cấp đủ điện nhưng với giá phải thấp nhất”, ông Hàm nói.
Với kế hoạch năm 2024 sẽ đưa thị trường điện bán lẻ cạnh tranh vào vận hành, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho hay, người dùng điện dù là sản xuất hay tiêu dùng sinh hoạt khi đó đều có điều kiện trực tiếp đàm phán và ký hợp đồng với người bán lẻ điện. Cơ chế giá điện này sẽ có tăng, có giảm đúng theo thực tế cơ cấu giá thành đầu vào, giá thành của sản xuất điện. Nhà nước khi đó sẽ chỉ quản lý về phí truyền tải, phân phối.
Cũng liên quan đến câu chuyện giá điện, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, giá năng lượng cả sơ cấp và thứ cấp đều không hề rẻ, có xu thế tăng và biến động nhiều phụ thuộc vào biến động về kinh tế, chính trị, an ninh, môi trường, dịch bệnh và cả những cuộc chiến tranh về năng lượng giữa các nền kinh tế hàng đầu nên giá năng lượng thứ cấp là điện cũng tăng cao tương ứng.
Vẫn theo ông Hiển, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đầu tư vừa qua chậm, không thực hiện được quy hoạch còn bởi thiếu nguồn lực tài chính khi khả năng tài chính của các nhà đầu tư, các tập đoàn là có hạn, khả năng tín dụng của các ngân hàng có giới hạn, vay nước ngoài của một số dự án đã bị từ chối vì cơ chế hạn chế bảo lãnh của Chính phủ. Giá mua điện chưa hấp dẫn, lợi tức đem lại thấp, khó có thể thu hút các nhà đầu tư.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng từng cho rằng, giá bán lẻ điện ở Việt Nam phải tăng lên tới khoảng 11 UScent/kWh mới thu hồi đầy đủ tất cả các chi phí của ngành điện (chi phí vận hành và bảo dưỡng, chi phí đầu tư, các nghĩa vụ trả nợ). Bởi, chính sách giá bán điện dưới mức thu hồi vốn đã làm cho thị trường điện méo mó và kém hiệu quả, đơn cử là cường độ thâm dụng năng lượng cao, từ việc đưa ra những tín hiệu không chính xác đến người tiêu dùng về chi phí thực của dịch vụ.
Như vậy, nếu so sánh con số 11 UScent/kWh như khuyến nghị với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện là hơn 8 UScent/kWh, có thể thấy, thị trường điện cạnh tranh bán lẻ khi đi vào vận hành chính thức sẽ không mang ngay lại giá điện thấp như kỳ vọng của người dân.