Người cao tuổi thường mắc các bệnh lý mạn tính, phải điều trị kéo dài, đòi hỏi chăm sóc y tế thường xuyên |
Nhiều nỗ lo
Bộ Y tế dự báo, đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già (cứ 5 người dân, thì có 1 người trên 60 tuổi). Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), tuy tuổi thọ người Việt đã tăng, ở mức 74,5 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh của người Việt còn khiêm tốn, chỉ khoảng 65 tuổi. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, bệnh tật.
Điều này kéo theo hàng loạt vấn đề như làm giảm khả năng tham gia các hoạt động xã hội, suy yếu khả năng lao động, giảm thu nhập tăng thêm, tăng chi phí điều trị, từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Trong khi đó, người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, mức sống thấp, ít có tiết kiệm, dự trữ cho tuổi già.
Tình trạng bệnh tật của người già tạo ra những thách thức lớn. Bác sỹ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay, trung bình mỗi người cao tuổi có thể mắc nhiều hơn 3 bệnh lý, phổ biến như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột qụy… Đây đều là các bệnh lý mạn tính, phải điều trị kéo dài, đòi hỏi chăm sóc y tế thường xuyên, thậm chí suốt đời.
Quan sát tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy, lượng người cao tuổi chiếm tỷ lệ rất lớn. Chẳng hạn, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, theo bác sỹ Trương Trường Giang, Trưởng khoa Thần kinh, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 60 - 70% lượng bệnh nhân điều trị.
Theo ThS. Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay sẽ tạo ra thách thức lớn về mặt kinh tế, văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Không chỉ gây nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai, già hóa dân số còn làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe...
Tại TP.HCM, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa thích ứng được với xu hướng già hóa dân số nhanh. Hiện toàn Thành phố có 24 cơ sở bảo trợ và nhà dưỡng lão (công lập và tư nhân). Rất ít người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở tập trung (tỷ lệ chỉ đạt hơn 0,5%), trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng. Các công trình hạ tầng đô thị, lối đi, thang máy, xe buýt... dành cho người cao tuổi cũng chưa được chú ý phát triển.
Cần nhiều giải pháp
Tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, hệ thống y tế, trong đó có chuyên ngành lão khoa. Bác sỹ Nguyễn Trung Anh thừa nhận, dịch vụ y tế cho người cao tuổi ở Việt Nam còn hạn chế. Nước ta đang thiếu bác sỹ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi… Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho hay, Việt Nam chưa đào tạo được nhân viên y tế chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn chăm sóc người cao tuổi. Ngay cả với bệnh sa sút trí tuệ, một số bác sỹ vẫn nhầm lẫn với bệnh lý tâm thần.
Hiện bảo hiểm y tế chỉ mới chi trả phần khám và thuốc cho bệnh nhân sa sút trí tuệ đến khám tại bệnh viện tuyến Trung ương. Các bệnh viện tuyến dưới, các kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ, kỹ thuật can thiệp chưa được bảo hiểm y tế thanh toán cũng tạo áp lực kinh tế đối với người già.
Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Dân số, Bộ Y tế đang đề ra nhiều giải pháp nhằm thích ứng với quá trình già hóa dân số, dân số già, như bổ sung quy định xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi phù hợp với đặc điểm về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế, xã hội, vùng miền...
Điều này rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam còn khiêm tốn. Bộ Y tế thống kê, chỉ có khoảng 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu; có 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa lão khoa... và chỉ có gần 1.800 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất xây dựng thêm các chương trình, dự án đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trước khi bước sang tuổi già, phù hợp với sức khỏe, trình độ, năng lực và nhu cầu thị trường.
Tổng cục Thống kê dự báo, đến năm 2030, nước ta sẽ có 17,2 triệu người cao tuổi và năm 2049, số người cao tuổi lên đến gần 27 triệu. Nếu nhu cầu làm việc của người cao tuổi được đáp ứng như hiện nay (khoảng 50%), thì năm 2030 sẽ có khoảng 8,5 triệu lao động cao tuổi và năm 2049 có tới 13,5 triệu lao động cao tuổi. “Đây sẽ là đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao an sinh, thu nhập cho người cao tuổi, tránh được căn bệnh thiếu lao động do mức sinh thấp, sử dụng hiệu quả lao động trình độ cao”, báo cáo của Bộ Y tế nhận định.
Với TP.HCM, theo lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cơ quan này sẽ đề xuất mô hình thành phố thân thiện với người cao tuổi theo các tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa, trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi, xây dựng các câu lạc bộ... Về lâu dài, ngành y tế TP.HCM sẽ củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.