Giá thuốc lá ở Việt Nam thấp nhất thế giới
Được biết, quy định về giá bán tối thiểu có ý nghĩa trong việc hạn chế sản xuất các loại thuốc lá rẻ tiền. Giá thuốc lá thấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong người dân và thu hút người hút mới, đặc biệt là những đối tượng nghèo và thanh thiếu niên.
Giá thuốc lá thấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong người dân và thu hút người hút mới, đặc biệt là những đối tượng nghèo và thanh thiếu niên. |
Căn cứ Khoản 2 Điều 19 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và xuất phát từ yêu cầu thực tế một số yếu tố hình thành giá thay đổi tác động đến giá bán, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 70/QĐ-BTC ngày 8/1/2016 về giá bán tối thiểu sản phẩm thuốc lá điếu tiêu thụ trong nước.
Cụ thể, giá bán tối thiểu sản phẩm thuốc lá loại phổ thông có đầu lọc tiêu thụ trong nước đối với bao cứng là 4.390 đồng/bao; bao mềm là 3.860 đồng/bao, mỗi bao thuốc lá có 20 điếu.
Mức giá này là giá bán của doanh nghiệp trên phương tiện của bên mua, đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, tại khoản 13 Điều 73 Luật giá số 16/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 quy định bãi bỏ khoản 2 Điều 19 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá số 09/2012/QH13 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 28/2028/QH14. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024 sản phẩm thuốc lá không thuộc diện Nhà nước định giá.
Giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2020, để có thể so sánh một cách công bằng giá thuốc lá giữa các quốc gia có mức thu nhập khác nhau thì giá bao thuốc Marlboro ở các nước được chuyển đổi thành giá theo đô la quốc tế PPP trong đó khi qui đổi thì sự khác nhau về mức thu nhập đã được tính toán.
Theo đơn vị quy đổi này thì giá trung bình một bao thuốc Marlboro ở Việt Nam là 2,82 đô la PPP/1 bao (tính theo sức mua tương đương), chỉ bằng 1/2 so với mức bình quân của tất cả các quốc gia trên thế giới (5,62 đô la PPP/bao) và giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia có số liệu báo cáo năm 2020.
Nguyên nhân chính của giá thuốc lá thấp vì thuế thuốc lá của Việt Nam đang rất thấp. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) năm 2014, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng.
Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ (năm 2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59% giá bán lẻ, bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN ví dụ như Thái Lan là 78,6% giá bán lẻ, Singapore là 67,1% giá bán lẻ, Indonesia 62,3% giá bán lẻ.
Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt 75% mới đảm bảo là mức thuế tối ưu để kiểm soát sử dụng sản phẩm độc hại này.
Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: Năm 2008: tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%;
Năm 2016 (sau 8 năm): tăng từ 65% lên 70%; và năm 2019 (tiếp sau 3 năm): tăng từ 70% lên 75%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế thì các lần tăng thuế này là quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó lại tăng trở lại.
Cụ thể, trong lần tăng thuế giai đoạn 2006-2008: mức tăng 10% (từ 55% lên 65%) chỉ làm giảm tiêu dùng trong năm tăng thuế và sau đó tiêu dùng tăng ngay trở lại (sản lượng tiêu thụ nội địa giảm từ 4.032 triệu bao năm 2005 xuống 3.451 triệu bao năm 2006 nhưng tăng trở lại 3.897 triệu bao năm 2007).
8 năm sau, vào năm 2016 thuế thuốc lá mới được tăng tiếp và với biên độ nhỏ hơn là 5%. Đến 2019 cũng tăng với tương tự là 5%.
Tổng tiêu dùng thuốc lá giảm năm 2017, 2018, 2019 nhưng lại tăng trở lại vào năm 2020 (sản lượng tiêu thụ nội địa giảm từ 3.897 triệu bao năm 2007 xuống 3.571 triệu bao năm 2008 nhưng tăng trở lại 3.934 triệu bao năm 2008).
Các mức tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2006-2008 và 2016-2019 là rất thấp, bên cạnh đó khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ tiếp cận.
Giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với giá sản phẩm thuốc lá của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá.
Kiến nghị tăng thuế thuốc lá
Tại sự kiện tổng kết 10 năm hoạt động của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi Việt Nam đã giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở cả người lớn và thanh thiếu niên trong những năm qua. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên giảm một nửa. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng nêu rõ, hiện nay chúng ta chưa đạt tiến bộ đủ nhanh để hiện thức hóa các mục tiêu đã đặt ra của chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá, Chương trình Việt Nam khỏe mạnh cũng như mục tiêu phát triển bền vững.
Phân tích thêm, bà Angela Pratt cho biết một trong những lý do là thuế rất thấp nên các sản phẩm thuốc lá ở Việt Nam trở thành một trong những sản phẩm rẻ nhất trên thế giới. Điều này làm cho những người trẻ tuổi dễ dàng bắt đầu hút thuốc, và không tạo được quyết tâm cho những người hút thuốc hiện tại bỏ thuốc...
Bà Angela Pratt bày tỏ quan ngại khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở giới trẻ đang ở mức báo động. Tình trạng này sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine, đe dọa đảo ngược những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
“Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ những người trẻ tuổi khỏi việc sử dụng thuốc lá, hoặc bất kỳ sản phẩm nào có nguy cơ gây nghiện nicotine”, TS Angela nhấn mạnh.
Vì vậy, WHO khuyến nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá và giá thuốc lá. Đồng thời, kêu gọi Quốc hội Việt Nam cấm thuốc lá điện tử và các sản phẩm nung nóng. “Nạn dịch thuốc lá là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà cộng đồng thế giới phải đối mặt. Việt Nam sẽ không phải chiến đấu một mình trong cuộc chiến này”, TS Angela nói.
Trước đó, phát biểu tại một hội nghị về bệnh không lây nhiễm, ông Mark Goodchild, chuyên gia chính sách tài chính y tế, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, sử dụng thuốc lá đã gây ra gánh nặng lớn cho kinh tế xã hội. Theo ước tính của Bộ Y tế năm 2020, người dân Việt Nam bỏ ra 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá hàng năm.
Tổn thất kinh tế do sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm (gần 1% GDP năm 2011), bao gồm chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau, bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến hút thuốc gây ra.
Theo ông Mark Goodchild, mức tiêu thụ cao hơn các sản phẩm này thường gắn liền với các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, tự do hóa thương mại, tiếp thị ngành và các hoạt động quảng cáo.
“Điều này phản ánh các “thất bại của thị trường” cần có sự can thiệp của Chính phủ. Đồng thời, các yếu tố nguy cơ do hành vi lối sống cũng có thể sửa đổi được thông qua thay đổi hành vi, lối sống của người dân”, ông Mark Goodchild nói.
Theo ông Mark Goodchild, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, giá thấp khuyến khích giới trẻ và người nghèo sử dụng. Tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá năm 2020 ở Việt Nam chỉ là 38% so với 59% ở tất cả các nước thu nhập trung bình.
Ông Mark Goodchild cho rằng giá thuốc lá càng trở nên phải chăng hơn ở Việt Nam do thu nhập tăng lên, điều này cũng khuyến khích tiêu thụ.
Ông chỉ ra, hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ dựa trên tỷ lệ phần trăm của Việt Nam có một số điểm yếu, bao gồm cả việc cho phép mức chênh lệch giá lớn và cung cấp các sản phẩm rất rẻ trên thị trường. Như vậy, hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ dựa trên tỷ lệ phần trăm cũng khó quản lý một cách hiệu quả.
Chiến lược cải cách thuế của Việt Nam giai đoạn 2011-2030 bao gồm phương án cải cách hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp đối với các sản phẩm không tốt cho sức khỏe.
Do đó, chuyên gia chính sách tài chính y tế WHO cho rằng cần phải tăng thuế đối với tất cả các sản phẩm không tốt cho sức khỏe ở Việt Nam, trong đó thuốc lá là ưu tiên rõ ràng.
Việt Nam nên áp dụng phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới theo phương pháp hỗn hợp đối với thuốc lá càng sớm càng tốt để phù hợp với các thực hành tốt nhất trên toàn cầu.
Còn ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đề xuất, tăng thuế thuốc lá đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang đến hiệu quả tích cực trong việc làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Minh chứng như ở Úc, một bao thuốc lá hiện nay có giá rất cao - trên 40 đô la Úc. Trong đó, thuế chiếm đến 70% giá bán. Nhờ vậy, tỷ lệ hút thuốc lá ở quốc gia này giảm đều đặn, đến nay chỉ còn khoảng 10%.
Hay như ở Philippines, tỷ lệ hút thuốc lá liên tục giảm qua các năm: 29% (năm 2009), 23% (năm 2015), 19% (năm 2021). Nguồn ngân sách mà Philippines thu được từ thuế thuốc lá là trên 3 tỷ USD/năm.
Ở Việt Nam, mỗi năm tiêu thụ đến 3,9 tỷ bao thuốc lá thế nhưng thuế thu được chỉ có 708 triệu đô/năm. Trong khi đó, Thái Lan mỗi năm chỉ tiêu thụ 2 tỷ bao nhưng ngân sách thu gần 2,1 tỷ đô/năm (gấp 3 lần Việt Nam).
"Chính vì vậy, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và khu vực tăng thuế thuốc lá tác động rất lớn (khoảng 50 - 60%) đến việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá", ông Lâm nói,
Về mức thuế thuốc lá, ông Lâm cho rằng, Việt Nam nên có lộ trình thực hiện để hướng tới đạt như mức khuyến cáo của WHO - nghĩa là mức thuế trong giá bán lẻ thuốc lá hiệu quả nhất là từ 70 - 75%.