Vàng trong nước tăng vọt, chênh khoảng 1,3 triệu đồng so với giá thế giới
Vàng miếng SJC đầu giờ sáng 27/3 tăng vọt thêm 400.000 – 750.000 đồng/lượng sau ngày giao dịch lình xinh thậm chí giảm ở một số hãng vàng hôm qua. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) hiện yết giá vàng ở mức 47,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,85 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. Giá vàng tại tập đoàn Phú Quý tăng tới 700.000 đồng/lượng nhưng vẫn thấp hơn giá yết tại SJC 50.000 đồng mỗi chiều. Tập đoàn Doji hiện là hãng vàng yết giá “dễ thở” nhất với giá bán ra cho dân cư là 47,5 triệu đồng/lượng.
Cập nhật đến 10h30p, giá vàng tại SJC đã vọt lên 48 triệu đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch giá mua bán vẫn giữ nguyên (800.000 đồng/lượng). Các hãng vàng khác cũng tiếp tục nhích giá vàng thêm 100.000 đồng.
Như vậy, sau một ngày giao dịch chùng xuống, vàng trở lại tiến gần hơn mốc 48 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Giá vàng thế giới tối qua có thời điểm tăng lên 1.656 USD/oz nhưng hiện đang giao dịch ổn định quanh khoảng 1.620 – 1.630 USD/oz. Giá vàng giao ngay đến cuối giờ sáng nay là 1.626 USD/oz. Vàng tương lai trên sàn Comex giao tháng 4/2020 dù đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao (1.640 USD/oz), tăng khoảng 20 USD so với hôm qua. Dù vàng trong nước tăng mạnh sáng nay, chênh lệch giữa giá trong nước và giá vàng thế giới quy đổi vẫ khá thấp, xấp xỉ 1-1,3 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá USD đi ngang ở mặt bằng cao mới
Trái ngược với diễn biến của giá vàng, tỷ giá USD/VND hôm nay đi ngang sau một ngày tăng khá mạnh. Tại Vietcombank, giá USD đang được mua vào ở mức 23.560 đồng/USD trong khi bán ra tại 23.720 đồng/USD. Các ngân hàng khác hiện cũng yết tỷ giá bán ra cũng đều đã vượt mốc 23.700 đồng, tăng hơn 2% so với cuối năm trước.
NHNN đã liên tục hạ tỷ giá trung tâm trong ba ngày qua với mức giảm tổng cộng 25 đồng/USD. Hiện tỷ giá trung tâm được ấn định là 23.250 đồng/USD, tương đương mức tỷ giá trần là 23.947 đồng/USD. Tỷ giá USD bán ra tại Sở giao dịch NHNN vẫn được giữ nguyên ở mức 23.650 đồng/USD, thấp hơn 50-70 đồng so với mặt bằng thị trường hiện nay.
Cũng trong các ngày qua, NHNN đã liên tục làm việc với các định chế tài chính lớn bao gồm WB, IFC và mới đây là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về các nguồn tài trợ để góp phần vượt qua được khó khăn tạm thời do ảnh hưởng của dịch COVID -19. Đồng thời, người đứng đầu NHNN khẳng định cơ quan này đảm bảo đủ thanh khoản cho thị trường và sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường ngoại tệ
Từ 20/2/2020, IFC đã thông qua việc tăng hạn mức tài trợ thương mại mới cho bốn ngân hàng thương mại đang là khách hàng của IFC, bao gồm Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với tổng hạn mức gia tăng 294 triệu USD. Trong một tháng vừa qua, các ngân hàng đã sử dụng hạn mức mới nhanh và hiệu quả. Hơn 50% số giao dịch được bảo lãnh dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ xuất, nhập hàng hóa ở những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID 19 như nông nghiệp và sản xuất. Chương trình tài trợ thương mại tại Việt Nam trên là chương trình đầu tiên và duy nhất tính tới thời điểm hiện nay. Cùng đó, WB và IFC còn có gói tài trợ cho các quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với tổng giá trị 14 tỷ USD.
Từ phía ADB, Chủ tịch Masatsugu Asakawa khẳng định ADB sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về tài chính và tư vấn chính sách trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Một gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 6,5 tỷ USD ứng phó với dịch Covid-19 cũng vừa được ADB thông qua ngày 18/3 để hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Gói hỗ trợ này bao gồm 3,6 tỷ USD cho hoạt động cho vay Chính phủ để ứng phó với các hậu quả về y tế và kinh tế do đại dịch gây ra và 1,6 tỷ USD cho khu vực tư nhân dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và vi mô đang phải đối mặt với các khó khăn do dịch Covid-19.