Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam |
Việc Fed giảm lãi suất USD đã được dự báo, nhưng mức giảm 0,5% là tương đối lớn và có khả năng giảm tiếp. Động thái này tác động ra sao đến giá vàng?
Theo các dự báo đưa ra, từ nay đến cuối năm, Fed sẽ còn 2 đợt giảm lãi suất USD vào tháng 11 và tháng 12/2024 tới, với mức giảm mỗi lần khoảng 0,25%, tức giảm tổng cộng 1% trong năm 2024. Năm 2025, Fed có thể giảm thêm 1-1,5% và tiếp tục giảm thêm trong 2026.
Sau lần Fed cắt giảm lãi suất USD vừa qua, giá vàng đã quay đầu giảm còn hơn 2.500 USD/ounce, sau khi tăng lên 2.600 USD/ounce. Khi giá vàng tăng lên mức cao 2.600 USD/ounce, nhiều nhà đầu tư chốt lời, bán ra nhiều hơn, nên giá vàng giảm xuống là điều dễ hiểu trong ngắn hạn. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2026, lãi suất USD giảm sẽ tác động lên sức khỏe USD, Chỉ số Dollar Index đi xuống và vàng được hưởng lợi, nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển tài sản vào “hầm trú ẩn vàng”.
Chỉ số Dollar Index khả năng giảm xuống mức bao nhiêu sau khi Fed giảm lãi suất?
Lãi suất USD được dự báo tiếp tục được Fed cắt giảm xuống 2-3% trong tương lai. Thậm chí, nếu lạm phát Mỹ xuống thấp, Ngân hàng Trung ương Mỹ tiếp tục xem xét cắt giảm lãi suất. Trong quá khứ, Fed từng giảm lãi suất USD chỉ còn 0,25-0,5%, nên không có điều gì đáng ngạc nhiên nếu lãi suất USD về lại mức này.
Chỉ số Dollar Index hiện tiệm cận mức 100 điểm cũng có thể giảm thêm hoặc tăng trở lại, nhưng khả năng sẽ trong xu hướng giảm, bởi lãi suất USD đang được Fed cắt giảm dần. Một khi sức khỏe của USD đi xuống, các nhà đầu cơ, đầu tư sẽ tìm đến kênh an toàn cho đồng vốn, đó chính là vàng.
Theo ông, khả năng giá vàng sẽ tăng lên mức bao nhiêu vào cuối năm nay?
Giá vàng được dự báo còn tăng lên mức 2.700 USD/ounce trong những tháng cuối năm nay, do nhu cầu về vàng tăng trong quý IV. Dù những tháng gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tạm dừng mua vàng, nhưng một số ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục mua vàng. Cụ thể, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vào khoảng 400 tấn vàng trong nửa đầu năm nay, dự báo cả năm đạt mức 800 tấn vàng.
Đáng chú ý là, tình hình địa chính trị trên thế giới cho thấy, còn nhiều căng thẳng ở một số quốc gia Trung Đông, nên nhiều nhà đầu tư vẫn muốn giữ tài sản cho đồng vốn ở “hầm trú ẩn vàng”. Do đó, triển vọng của vàng còn sáng trong thời gian tới và mức giá 3.000 USD/ounce có thể cũng không còn quá xa trong năm 2025.
Từ năm ngoái đến nửa đầu năm nay, giá vàng đã tăng hơn 30-35%, nên theo tôi, để đạt được mức 3.000 USD/ounce, giá vàng cần tăng thêm khoảng 25% là điều không quá khó, nếu các yếu tố trên tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Với tỷ suất lợi nhuận cao, thì rủi ro khi đầu tư vào vàng cũng sẽ tương ứng, nhất là đối với thị trường nội địa không được liên thông với thị trường quốc tế, thưa ông?
So với các kênh đầu tư khác, vàng hiện vẫn được xem là kênh đầu tư “sáng”. Trung bình giá vàng tăng không dưới 25% trong một năm, lợi nhuận thu về cao hơn các kênh đầu tư chứng khoán, tiết kiệm… Điều này cho thấy, cầu vàng trên thế giới tiếp tục tăng cao.
Tuy nhiên, theo tôi, cũng như các kênh đầu tư khác, để an toàn và hạn chế rủi ro, nhà đầu tư không nên “bỏ trứng vào một rổ”, mà có thể chia nhỏ danh mục đầu tư và rót vốn vào những kênh mà nhà đầu tư có sự hiểu biết, cũng như tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định.