Ngân hàng - Bảo hiểm
Giá vàng “nổi loạn” hậu Brexit
Thùy Vinh - 06/07/2016 08:11
Ngay từ khi mở phiên đầu tuần, giá vàng đã liên tục bứt tốc và tái lập các mốc cao mới với 1.353 USD/ounce, sau khi đã tăng thêm 1,5% trong ngày thứ Sáu cuối tuần trước.

Việc Anh rời EU (Brexit) đã đẩy giá vàng tăng khi giới đầu tư quay sang tìm kiếm tài sản an toàn. Theo các nhà phân tích, giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tuần này. Khảo sát trực tuyến tại Kitco.com cho thấy, hơn 65% rất lạc quan về giá vàng.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền mạnh khác trong giỏ tiền tệ đang đi ngang, nhưng vẫn chịu áp lực bởi đà giảm của lợi tức trái phiếu Mỹ cuối tuần trước. Phó chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Stanley Fischer cho hay, mặc dù kinh tế Mỹ liên tục phát đi tín hiệu khởi sắc trong mấy tuần gần đây, nhưng thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ không vội nâng lãi suất trước khi đánh giá cụ thể những tác động mà Brexit có thể mang tới. Theo các chuyên gia, nếu Fed sớm tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá vàng và thực tế điều này đã xảy ra trong thời gian qua.

.

Trên thị trường vật chất, nhu cầu vàng tại châu Á tiếp tục biến động mạnh do giá vàng tăng cao, tác động tiêu cực tới các lực mua mới. Quỹ tín thác đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết, tài sản vàng của họ đã tăng 0,41%, đạt 953,91 tấn trong ngày 1/7/2016. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 7/2013. Trong khi đó, số lượng hợp đồng mua vào tại các quỹ phòng thủ và quản lý tiền tệ trên sàn Comex cũng leo lên mức cao kỷ lục trong tuần tính hết ngày 28/6 trước sức nóng của thị trường kim loại quý.

Giá vàng tại thị trường châu Á ở mức hơn 1.353 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 4/7, tăng mạnh so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Trong ngày 4/7, giá vàng miếng SJC niêm yết đầu giờ tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tại TP.HCM và Đà Nẵng ở mức 36 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,42 triệu đồng/lượng (bán ra) - tăng gần 140.000 đồng/lượng so với đầu ngày 3/7. Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức 130.000 đồng/lượng, tính theo tỷ giá ngày 4/7.

Tuy nhiên, ngay trong sáng 4/7, giá vàng SJC đã có lúc vượt qua ngưỡng 36,7 triệu đồng/lượng (bán ra), đòi hỏi nhà đầu tư hết sức thận trọng, tránh tình trạng mua giá cao, bán giá thấp. Theo quy đổi, vàng thế giới có giá 36,33 triệu đồng/lượng, cao hơn giá bán trong nước khoảng 180.000 - 480.000 đồng/lượng (chưa kể thuế, phí), nhưng trong phiên ngày 4/7, giá vàng vẫn tiếp tục đi lên.

Nhóm phân tích Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho rằng, sau cú sốc Brexit, thị trường tài chính toàn cầu đã dần trở lại ổn định trong tuần qua. Mối quan tâm của giới đầu tư tuần này cũng hướng vào các thống kê kinh tế quan trọng được công bố đầu tháng, đặc biệt là các dữ liệu đến từ nước Mỹ.

Trong trường hợp dòng vốn khiến đồng bảng Anh (GBP) và euro (EUR) yếu đi, vàng có thể sẽ là kênh đầu tư hoàn hảo và tác động tới giá vàng. Dù Ngân hàng HSBC chỉ kỳ vọng, giá vàng sẽ tăng 10% trong thời kỳ hậu Brexit, song giá vàng thực tế có thể tăng cao hơn nếu thị trường tiếp tục lo ngại về tương lai EU sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. Đối với những đơn vị tiền tệ có khả năng tăng giá sau khi Anh quyết định rời EU như đồng franc Thụy Sĩ  (CHF) và yên Nhật (JPY), ngân hàng trung ương của hai loại tiền tệ này có nguy cơ sẽ phải can thiệp, nhằm kiểm soát việc tăng giá của đồng tiền mình. Bởi vàng không liên quan hay phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan quản lý tiền tệ hoặc chính sách kinh tế nào, do đó, vàng sẽ gần như hoàn toàn không có những nguy cơ bị can thiệp. Nếu nhà đầu tư thật sự cho rằng, việc CHF hay JPY tăng giá có thể khiến nhà nước phải can thiệp thì họ sẽ chuyển dòng đầu tư sang vàng - một danh mục đầu tư được xem an toàn hơn.

Tin liên quan
Tin khác