Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) cho thấy doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 28% so với cùng kỳ lên 4.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng chiếm hơn 3.959 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh, chỉ đạt 134,1 triệu đồng.
Điểm sáng bức tranh tài chính của Xây dựng Hòa Bình trong quý này là có thêm 183 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, gấp 2,8 lần chủ yếu nhờ bán các khoản đầu tư thu về 126 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Xây dựng Hoà Bình dự kiến thoái vốn khỏi 4 dự án lớn là Ascent Garden Home, Ascent Cityview, Ascent Plaza và Ascent Lakeside. Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình thu về hơn 49 tỷ (cùng kỳ chỉ hơn 200 triệu đồng) từ khoản lãi chậm thanh toán.
Dù vậy, chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay tăng thêm 62,33 tỷ đồng đã khiến Xây dựng Hòa Bình tiêu tốn số tiền hơn 142,58 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 27,01 tỷ đồng lên 130,77 tỷ đồng.
Kết quả, Công ty báo lãi sau thuế hơn 50 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, nhưng đã cải thiện đáng kể so với 3 quý gần nhất.
Mặc dù công ty đã tăng nguồn thu từ hoạt động tài chính, nhưng vì lợi nhuận gộp giảm mạnh và nhiều chi phí khác tăng cao đã kéo giảm lợi nhuận của Xây dựng Hòa Bình |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Xây dựng Hòa Bình đạt 7.063 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ, lần lượt tăng 30% và giảm 10% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong năm 2022, Hòa Bình đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, sau hai quý, công ty mới thực hiện được 40% kế hoạch doanh thu và 17,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Về tình hình tài chính, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 1.364,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 691,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 200,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.469,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình tăng khoảng 1.680 tỷ so với đầu năm lên 18.255 tỷ đồng, Phần lớn mức tăng đến từ các khoản phải thu ngắn hạn với giá trị gần 13.000 tỷ đồng, trong đó phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng hơn 5.200 tỷ đồng và phải thu của khách hàng là 5.500 tỷ. Công ty đã trích lập dự phòng 378 tỷ nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.
Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đến cuối kỳ là 690 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 28,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.437 tỷ đồng lên 6.534,7 tỷ đồng và chiếm 35,8% tổng nguồn vốn.
Trong một diễn biến khác, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình vừa đăng ký mua 6,63 triệu cổ phiếu HBC trong thời hạn một tháng. Giao dịch dự kiến bắt đầu từ 27/7 đến 25/8 nhằm mục đích đầu tư. Nếu thành công, ông Hải sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại đây từ 17,21% lên 19,91% (tương ứng 48,9 triệu cổ phiếu).
Ông Hải đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu lần đầu vào 20/6, khi HBC vừa trải qua chuỗi giảm sâu 7 phiên liên tiếp khiến giá rơi từ 21.800 đồng xuống 15.500 đồng. Ông Hải lúc đó cho biết giao dịch này vừa đầu tư, vừa để bình ổn giá khi cổ phiếu xuống mức thấp nhất 9 tháng.
Thông tin này ngay lập tức giúp HBC đảo chiều đi lên 7 phiên liên tiếp, trong đó một phiên chạm trần. Giá cổ phiếu hồi phục suốt một tháng ông Hải đăng ký giao dịch và có thời điểm tiệm cận 21.000 đồng.
Tuy nhiên, vì giá cổ phiếu tăng cao nên ông Hải chỉ khớp lệnh được 3,36 triệu trong số 10 triệu cổ phiếu HBC đã đăng ký, và sau khi thông báo kết quả giao dịch vào chiều 22/7, ông Hải đã đăng ký mua thêm với quyết tâm gom đủ 10 triệu cổ phiếu HBC.