Giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh tăng lần thứ 6 liên tiếp, từ 15 giờ chiều nay. |
Từ 15 giờ chiều nay, 5/9, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tiếp tục có sự điều chỉnh tăng giá, cũng là đợt tăng giá lần thứ 6 liên tiếp tính từ đầu tháng 7 đến nay.
Theo điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính, giá xăng RON 95-III tăng thêm 270 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 140 đồng/lít. Dầu hỏa có mức tăng nhiều nhất 510 đồng/lít, dầu diesel là 290 đồng/lít, trong khi mazut giảm 280 đồng/kg.
Sau điều chỉnh mỗi lít xăng RON 95 ngang với ngưỡng giá hồi tháng 10/2021. Giá các mặt hàng xăng, dầu thay đổi như sau:
Xăng RON 95-III có giá 24.870đồng/lít; Xăng E5 RON 92 là 23.470 đồng/lít; Dầu diesel 22.640 đồng/lít; Dầu hỏa 22.810/lít; Dầu mazut 17.700 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành hôm nay, liên Bộ Công thương - Tài chính tiếp tục không trích lập và chi từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Giá dầu thế giới trong nửa tháng qua tăng mạnh do lo ngại nguồn cung thắt chặt hơn khi Nga có ý định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu.
Bình quân mỗi thùng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5RON92) tăng gần 0,5%, lên 103,25 USD; RON 95 là 109,23 USD, tăng 0,7%. Dầu hỏa cũng đặt thêm gần 2% mỗi thùng, ở mức 118,82 USD; diesel là 117,71 USD, riêng mazut giảm 2,54% về 530,47 USD.
Lo ngại trước việc cung ứng xăng dầu trong thời gian qua có lúc, có nơi còn bất cập, khó khăn; trong đó thiếu hụt xăng dầu tại một số địa bàn vào cuối năm 2022, trong Công điện mới ban hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ tướng chỉ đạo tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng mặt hàng xăng dầu.
Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chủ động điều hành, cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo chức năng; bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.
Xác định sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước để có cơ sở cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu trong thời gian tới, nhằm bảo đảm duy trì liên tục, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bộ Công thương cùng với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước để điều hành giá, sử dụng Quỹ Bình ổn giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; bảo đảm ổn định, lành mạnh của thị trường xăng dầu trong nước, không để xảy ra vi phạm.