Đầu tư
Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp tỉnh Aichi
Hồng Sơn - 27/07/2013 20:12
Ông Hiroyuki Miyazaki, Giám đốc Ban Đầu tư và Thương mại, Phòng Công nghiệp và Lao động tỉnh Aichi (Nhật Bản) cho biết, hiện đã có 96 doanh nghiệp đến từ tỉnh Aichi đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Thiên Nam sản xuất thang máy cho đối tác Nhật Bản

Ngoài ra, còn có 109 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp tỉnh này tại nhiều thành phố lớn trong cả nước. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp tỉnh Aichi đã thường xuyên được các cơ quan chức năng của Việt Nam gặp gỡ, đối thoại để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Một buổi làm việc với các doanh nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản

Mới đây, nhiều doanh nghiệp của tỉnh Aichi tại các tỉnh phía Nam đã có văn bản gửi các ngành chức năng đề nghị giải đáp, tháo gỡ một số vướng mắc và khó khăn trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về chính sách thuế bảo vệ môi trường, mà cụ thể là quy định đối với túi nilon bọc sản phẩm, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trước đây, túi nilon phải nộp thuế bảo vệ môi trường, song theo quy định mới, thì túi nilon nhập khẩu để bọc bên ngoài hộp sản phẩm không phải nộp thuế bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, một số trường hợp khác có liên quan đến túi nilon, như doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm, đồng thời sản xuất luôn cả túi nilon để bọc sản phẩm đó… cũng không phải đóng thuế bảo vệ môi trường. Đối với trường hợp mua bao bì của doanh nghiệp Việt Nam để bọc sản phẩm, thì phải ghi rõ trong hợp đồng để khi làm thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp không bị áp thuế.

Một số doanh nghiệp tỉnh Aichi đã hoạt động gần 20 năm nay trong các khu chế xuất, hiện sản xuất các sản phẩm, như linh kiện điện tử, sứ cách nhiệt, linh kiện ô tô… kiến nghị cần có thêm những ưu đãi mới về thuế để doanh nghiệp quyết định kéo dài thời gian đầu tư. Về vấn đề này, Đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) giải đáp, việc ưu đãi thuế là tùy từng giai đoạn theo quy định của Luật Đầu tư; chỉ có một số ngành nghề được hưởng ưu đãi và thời gian được hưởng cũng không thể kéo dài mãi mãi.

Với ngành nghề theo quy định được hưởng ưu đãi 20 năm, thì sau khi được hưởng đủ thời gian này, nếu muốn tiếp tục đầu tư, doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định mới.

Trước những băn khoăn về việc nếu áp dụng theo quy định mới, thì các doanh nghiệp trong khu chế xuất sẽ không còn được hưởng ưu đãi thuế như trước, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sau một thời gian thực hiện, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đã có một số điểm không còn phù hợp. Chẳng hạn, tỷ lệ bán hàng vào nội địa của doanh nghiệp thuộc khu chế xuất dự kiến sẽ được chỉnh sửa trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 29/2008/NĐ-CP.

Theo đó, các doanh nghiệp trong các khu chế xuất được tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, nhưng phải nộp thuế giá trị gia tăng và tuân thủ các quy định về thương mại hiện hành. Việc điều chỉnh này là một trong số những cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và phù hợp với các quy định thương mại quốc tế hiện nay.

Mới đây, trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Hiroyuki Miyazaki đã đề xuất việc tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước có cơ hội trao đổi, tiếp xúc, nhằm thúc đẩy quá trình giao thương và đầu tư.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp của tỉnh Aichi sẽ tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, đối thoại và đặc biệt là sẽ tham gia Hội thảo tổ chức vào tháng 9, trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Việt Nam tại Nhật Bản năm 2013” nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Tin liên quan
Tin khác