Vừa có thêm một nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất mở trường đua ngựa tại Việt Nam. Đó là Tập đoàn Đua ngựa Hàn Quốc, với kế hoạch đầu tư một trường đua ngựa và khu vui chơi giải trí tổng hợp tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).
Theo lời ông Choi Hank Soo, Chủ tịch Tập đoàn đề cập với ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Dự án có quy mô giai đoạn I khoảng 500 triệu USD và khi đi vào hoạt động sẽ hình thành một khu giải trí, thu hút 5.000 - 10.000 lao động.
Phối cảnh Dự án Khu phức hợp trường đua ngựa quốc tế và công trình thể thao, giải trí tại Vĩnh Phúc. |
Như Báo Đầu tư đưa tin, gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tiếp xin mở trường đua ngựa ở Việt Nam. Lớn nhất vẫn là Dự án Khu phức hợp trường đua ngựa quốc tế và công trình thể thao, giải trí tại Vĩnh Phúc, quy mô 750 ha, vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD của nhà đầu tư GOMAX I&D (Hàn Quốc). Trước đó, dự án 500 triệu USD ở Hà Nội của hai nhà đầu tư là Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist) và Công ty Global Consultant Network (Hàn Quốc) đã tái khởi động.
Chưa kể, còn hàng loạt dự án khác. Chẳng hạn, Công ty Golden Turf Club Pty Ltd. cách đây ít tháng cũng đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Trường đua ngựa Phú Yên, quy mô 134 ha, vốn đầu tư 100 triệu USD. Tập đoàn Matrix Holdings Limited (Hồng Kông) đang lên kế hoạch đầu tư một trường đua ngựa ở Đà Nẵng. Giữa năm ngoái, Công ty TNHH Thể thao Việt - Úc cũng đã đề xuất lên lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dự án Tích hợp và Trường đua ngựa quốc tế, với quy mô 150 ha, vốn đầu tư dự kiến là 158 triệu USD...
Động thái trên của các nhà đầu tư nước ngoài được cho là để đón đầu cơ hội trước việc Chính phủ Việt Nam chuẩn bị ban hành nghị định về kinh doanh đặt cược, cũng giống như đã từng có một “làn sóng” xin đầu tư casino mấy năm trước.
Thực tế, đua ngựa là một trong những môn thể thao lâu đời nhất trên thế giới và vẫn được coi là môn thể thao của giới quý tộc. Vì vậy, các trường đua cũng đã được xây dựng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, lĩnh vực kinh doanh này đang gặp khá nhiều khó khăn. Tại Mỹ, một báo cáo kiểm toán mới được công bố gần đây cho biết, Hiệp hội Đua ngựa New York đã thua lỗ 109 triệu USD trong 4 năm qua. Tháng 1/2016, một cuộc khảo sát cho thấy, môn thể thao đua ngựa đã tụt xuống vị trí thứ 13 trong những môn được yêu thích ở Mỹ, so với vị trí thứ 8 năm 1985. Còn tại Macau, Công ty Đua ngựa Macau chưa hề biết tới lợi nhuận kể từ năm 2005 tới nay. Năm ngoái, khoản lỗ của công ty này còn tăng 72,7% so với năm 2014.
Vậy thì vì sao, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đua nhau mở trường đua tại Việt Nam? Lý do dễ thấy nhất có thể vì đây là môn thể thao khá mới lạ ở Việt Nam, nên có sức hấp dẫn. Thêm nữa, theo như lý giải của ông Jung Young Jin, Giám đốc chiến lược và Quản lý của GOMAX, người Việt Nam thường thích thử vận may của mình qua các trò cá cược, nên đây sẽ là lĩnh vực đầu tư tiềm năng ở Việt Nam.
Thông tin của ông Nguyễn Đình Chúc, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững đưa ra cách đây 2 tháng tại một hội thảo về du lịch, dựa trên số liệu của Bộ Công an cho thấy, chỉ riêng trong thời gian diễn ra Giải bóng đá EURO 2016, người Việt đã chi tới 500 triệu USD cho cá cược. Cũng giống như câu chuyện với casino, con số đã từng được nhắc tới là, bình quân mỗi năm, người Việt Nam mang 800 triệu USD ra nước ngoài đánh bạc.
Tuy nhiên, có vẻ như chỉ đua ngựa không thôi thì không đủ sức để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến thế. Thông tin về các dự án đầu tư nói trên cho thấy, các nhà đầu tư còn nhắm tới thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng đang nóng lên từng ngày ở Việt Nam.
Như vậy, trường đua ngựa chỉ là một trong những hạng mục của toàn dự án mà các nhà đầu tư nước ngoài đã đề xuất. Chẳng hạn, với dự án ở Vĩnh Phúc của GOMAX, các hạng mục đi kèm trường đua ngựa là sân golf 72 lỗ, khu thể thao giải trí, câu lạc bộ cưỡi ngựa và polo, khu nhà ở và biệt thự. Còn với dự án ở Hà Nội, tên chính thức của dự án là Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf tiêu chuẩn 5 sao… Có lẽ, với vốn đầu tư 500 triệu USD, dự án được đề xuất mới đây ở Bắc Ninh cũng sẽ có quy mô và các hạng mục tương tự.
Không quá khó hiểu, bởi chỉ một trường đua ngựa trơ trọi không thể đủ sức hấp dẫn người dân tới trường đua. Giống như trước đây, khi xin đầu tư sân golf, luôn có các hạng mục đi kèm là bất động sản nghỉ dưỡng.
Tuy vậy, có một thực tế phải thừa nhận là, dù các nhà đầu tư liên tiếp đề xuất các dự án trường đua ngựa, song đó vẫn chỉ là những dự án… trên giấy. Chưa nhiều dự án được cấp phép và rất hiếm dự án được triển khai. Bởi thế, câu chuyện có thể sẽ lặp lại như trước đây đối với làn sóng xin đầu tư casino, đó là nhà đầu tư ở lại không nhiều.
Thông tin cho biết, Bình Phước vừa thu hồi giấy chứng nhận đầu tư một dự án 100 triệu USD do chậm triển khai. Chuyện Việt Nam chưa ban hành kịp thời nghị định về kinh doanh cá cược, thậm chí cả casino, có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến chưa nhiều nhà đầu tư thực sự đổ vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trên một khía cạnh khác, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, dù gì đi nữa, đua ngựa vẫn là lĩnh vực kinh doanh liên quan đến cá cược, do vậy không thể cấp phép tràn lan và cũng cần phải chọn lựa các nhà đầu tư thực sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Hiện có tới 3 dự án quy mô lớn được đề xuất ở quanh Hà Nội. Có nên cấp phép cả 3 dự án này không cũng là vấn đề cần tính tới. “Chúng tôi cần phải kêu gọi đầu tư từ các đối tác. Nếu như ngay cạnh dự án của chúng tôi lại có thêm các dự án khác thì có thể, họ sẽ phải xem xét lại”, ông Jung đã từng nói với phóng viên Báo Đầu tư.