Ngân hàng - Bảo hiểm
Giải mã hiện tượng bứt phá của Alibaba
Lan Chi - 17/03/2018 07:10
Trong khi hàng loạt đại gia bán lẻ ở các nước phương Tây phải thu hẹp quy mô do doanh số giảm mạnh, thì Alibaba (Trung Quốc) lại không ngừng mở rộng kinh doanh, với lợi nhuận tăng vọt. Đâu là lý do dẫn đến sự tăng trưởng ngoạn mục này của Alibaba?
Alibaba đang trở thành đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến toàn cầu

Doanh số bán lẻ giảm mạnh và việc phải đóng cửa hàng là tình trạng đang diễn ra phổ biến ở các nước phương Tây. Các hãng khổng lồ như Walmart và Macy’s tại Mỹ; Marks và Spencer tại Anh đã buộc phải đóng cửa cửa hàng do doanh thu giảm mạnh. Công ty Toy R Us (Mỹ) đang phải đóng cửa hoặc bán lại toàn bộ 735 cửa hàng tại Mỹ…

Trong khi đó, tại Trung Quốc, lợi nhuận của riêng Công ty bán lẻ trực tuyến (online) Alibaba trong quý IV/2017 đạt tới 2,6 tỷ USD, tăng 146%. Đặc biệt, giá cổ phiếu của Alibaba trong năm qua đã tăng gấp đôi.

Về phần mình, Xiaomi, hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, lại không nhìn thấy nhiều triển vọng với hoạt động kinh doanh online. Nếu như trước đây, Xiaomi đã dồn lực phát triển bán lẻ online, thì nay, công ty này đang đầu tư mạnh vào thị trường bán lẻ trực tiếp (offline). Riêng trong năm 2017, Xiaomi đã mở hơn 200 cửa hàng tại Trung Quốc và 130 cửa hàng ở nước ngoài.

Jun Lei, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Xiaomi cho biết, bán hàng thuần túy online chỉ giúp Công ty giảm chi phí hoạt động, nhưng để thu hút khách hàng ở vùng nông thôn, thì mô hình này không ổn, mà phải áp dụng mô hình “bán lẻ mới”.

Thực ra, khái niệm “bán lẻ mới” lần đầu tiên được Alibaba đưa ra từ năm 2016. Trong bức thư gửi các cổ đông vào tháng 10 năm đó, ông Jack Ma, người sáng lập và Chủ tịch của Alibaba đã lập luận: “Hoạt động thương mại điện tử thuần túy sẽ giảm và thay thế bằng khái niệm “bán lẻ mới” - sự kết hợp giữa online, offline, logistics và hệ thống dữ liệu trong một chuỗi giá trị thống nhất”.

Với tư tưởng này, Alibaba cho ra đời Hema - siêu thị bán hàng thực phẩm tươi sống, vận hành trên nền tảng công nghệ và hoạt động theo đúng tư tưởng “bán lẻ mới” của ông chủ. Kết quả, Hema đã đem lại thành công ngoài mong đợi.

Với siêu thị này, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm sản phẩm, đặt giao hàng tại nhà (trong 30 phút trong phạm vi bán kính 3km), thanh toán và thậm chí đặt hàng tươi sống qua ứng dụng Hema.

Alibaba dựa nhiều vào các phân tích để định hướng chiến lược bán lẻ. Hema nắm mọi thông tin về khách hàng, như số điện thoại, lịch sử mua hàng, thanh toán, hoạt động tài chính, địa chỉ cư trú.

Theo báo cáo của công ty này, doanh số bán của siêu thị Hema cao gấp 3 - 5 lần so với các siêu thị khác.

Hiện tại, Alibaba đang thử nghiệm loại hình siêu thị mới, có tên là Tao Café. Với việc quẹt mã QR cá nhân tại cửa vào, khách hàng có thể chọn sản phẩm cần mua rồi đi ra mà không cần quan tâm đến việc thanh toán, bởi hệ thống tự động xác định sản phẩm và trừ tiền vào tài khoản Alipay.   

Tất nhiên, không phải Alibaba là công ty duy nhất tham gia kỷ nguyên “bán lẻ mới”. Đầu năm 2018, JD.com, công ty thương mại điện tử lớn thứ hai tại Trung Quốc, đã mở 7Fresh - siêu thị công nghệ cao offline đầu tiên của mình tại Bắc Kinh. Trong khi đó, Công ty công nghệ khổng lồ Tencent cũng đầu tư hàng loạt siêu thị tương tự trên khắp đất nước Trung Quốc.

Với nhiều ưu việt được kiểm chứng, chiến lược “bán lẻ mới” đang được mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh quần áo. Công ty sản xuất quần áo Uniqlo (Nhật Bản) là một điển hình thành công với chiến lược này tại Trung Quốc - thị trường hải ngoại lớn nhất của Uniqlo, với hơn 500 cửa hàng. Với sản phẩm này, khách hàng có thể mua online, mua offline, thậm chí mua online nhưng lấy hàng tại cửa hàng. Việc bán hàng này rất linh hoạt, cho phép người mua có nhiều lựa chọn nên rất hấp dẫn khách hàng. Nhờ vậy, doanh  số bán hàng tăng cao, trong khi tỷ lệ trả lại hàng giảm mạnh.

Tin liên quan
Tin khác