Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 7 tháng đầu năm 2013, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 6,65 tỷ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012.
Trong khi đó, về vốn đăng ký, tính đến ngày 20/7/2013, cả nước có 677 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 6,92 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012.
Ngoài ra, còn có 266 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,99 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2012.
| ||
Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn Trao nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hôm 22/7/2013 |
Như vậy, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 11,91 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là con số rất đáng khích lệ trong bối cảnh những năm qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam suy giảm.
Vốn FDI vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm tăng mạnh chủ yếu là nhờ một số dự án tỷ USD, cả dự án đăng ký mới và tăng vốn.
Chẳng hạn, Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử.
Ngoài ra, còn có Dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center của nhà đầu tư Liên bang Nga, với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, để xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ôtô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định; và Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm 2013, đã có 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,1 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,73 tỷ USD, chiếm 31,3% tổng vốn đầu tư; Liên bang Nga đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,015 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nguyên Đức