Cụ thể hóa Nghị quyết phát triển TP. Cần Thơ
Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5/8/2020 Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu, đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hoá sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL...
Nghị quyết xác định, đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng Cần Thơ mà còn là nhiệm vụ của cả vùng ĐBSCL và cả nước, trong đó nguồn lực nội tại của Cần Thơ là chủ lực, nguồn lực Trung ương có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy nhanh sự phát triển của Cần Thơ.
Ảnh minh họa |
Xây dựng và phát triển Cần Thơ phải trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng ĐBSCL, nhất là vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong; cảng biển và cảng hàng không quốc tế; tài nguyên thiên nhiên…
Phát triển nhanh và bền vững TP. Cần Thơ trên cơ sở phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ giá trị gia tăng cao, cung cấp đầu vào, đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hoá và dịch vụ của toàn vùng; xác định công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản là mũi nhọn của ngành công nghiệp, Cần Thơ không chỉ là một cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL và cả nước, mà còn đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 59-NQ/TW, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15, ngày 11/1/2022, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, trong đó có thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ (Trung tâm).
Đây là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản.
Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, Trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL.
Việc hình thành Trung tâm tại TP.Cần Thơ với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, có vai trò gắn kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà sản xuất - Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tập hợp các nguồn lực có khả năng tham gia giải quyết những bài toán lớn của Vùng như: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế; vấn đề logistics hậu cần; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…
Trên tinh thần khẩn trương, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45/2022/QH15, TP.Cần Thơ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Dự kiến, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giải pháp thực hiện
Việc triển khai đầu tư xây dựng và phát triển Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ cần được thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Cần Thơ, có 6 giải pháp cần triển khai thực hiện.
Thứ nhất, chính sách về thuế,thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư tại Trung tâm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo.
Thứ hai, giải pháp về đất đai, TP.Cần Thơ đảm bảo khả năng cân đối quỹ đất để thực hiện Trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Theo đó, đối với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, UBND TP.Cần Thơ đã dự thảo phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, trong đó có Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Trên cơ sở chỉ tiêu sử dụng đất dự kiến phân bổ nêu trên, thành phố bố trí quỹ đất khoản 250 ha (giai đoạn 1) của Trung tâm để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
UBND TP.Cần Thơ thực hiện thu hồi đất để thực hiện Trung tâm hiện theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai, cụ thể: khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung.
Việc triển khai thực hiện dự án trong các giai đoạn tiếp theo sẽ thực hiện theo kết quả tổng kết Nghị quyết 45/2020/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội.
Thứ ba, về nguồn vốn đầu tư, dự kiến huy động 100% vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Hiện nay, chưa có quy định về suất đầu tư, tuy nhiên qua khảo sát thị trường có thể tạm tính suất vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu 1 (50 ha) khoảng 2.000 tỷ đồng; Khu 2 (200 ha) khoảng 4.600 tỷ đồng.
Đối với đầu tư nhà xưởng, máy móc… ước tính là 6 triệu đồng/m2 tính trên 60% diện tích đất Trung tâm là 9.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư (hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng, máy móc từ các nhà đầu tư thứ cấp) của Trung tâm dự kiến là 15.600 tỷ đồng.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ, đến nay Thành phố đã ghi nhận sự quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư của 3 nhà đầu tư liên quan đến Trung tâm này. Tuy nhiên, việc thực hiện phương án đầu tư như thế nào của nhà đầu tư, đều phải tuân thủ các mục tiêu và định hướng chức năng nhiệm vụ cũng như vai trò của Trung tâm đặt ra, trên cơ sở phải đảm bảo được các tiêu chí chung đã ban hành.
Thứ tư, về thủ tục đầu tư, nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư trong đó bao gồm các đề xuất về đầu tư hạ tầng và đầu tư các khu vực sản xuất, chế biến theo quy hoạch phân khu được duyệt... nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định trình UBND TP.Cần Thơ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của tại Điều 32, Điều 33 của Luật Đầu tư. Việc đầu tư, quản lý, khai thác hạ tầng sẽ do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện.
Thứ năm, giải pháp về quy hoạch Trung tâm, đối với quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000, sau khi được Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập Trung tâm, UBND TP.Cần Thơ có trách nhiệm giao đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Trung tâm sẽ tiến hành lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 theo đúng quy hoạch của Luật Xây dựng.
Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, đơn vị được lựa chọn căn cứ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 để lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 xác định các khu chức năng, công trình cụ thể đặt tại Trung tâm theo quy định.
Thứ sáu, giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm dành ưu tiên trước hết cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Vì tính chất đặc thù và tầm quan trọng của việc này, cùng với quy hoạch phát triển tổng thể Trung tâm, một đề án phát triển nguồn nhân lực cũng sẽ được thực hiện để chi tiết và cụ thể hóa các giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ Trung tâm cũng như vùng ĐBSCL.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Cần Thơ cho rằng, với những chính sách trên, đặc biệt là sự đồng bộ về các dịch vụ hỗ trợ trong Trung tâm; chính sách về đất đai, ưu đãi về tiền thuê đất; miễn giảm thuế và thủ tục hải quan… sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư tham gia hoạt động, kinh doanh tại Trung tâm. Qua đó, góp phần đạt các mục tiêu mà Nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng ĐBSCL và TP. Cần Thơ.