Kiến trúc - Phong thủy
Giải pháp thú vị cho những khoảnh đất "siêu nhỏ"
Ban Mai - 23/01/2016 20:58
Dù mảnh đất méo, siêu hẹp hay nằm quá gần nhà hàng xóm, các kiến trúc sư vẫn tạo ra được những không gian ở nhiều ánh sáng.
Từ lâu, đất nước Nhật đã được biết tới với những thành phố đông dân, nơi ở chật hẹp được gọi là nhà con nhộng, hang thỏ hay thậm chí nhà "quan tài".

Ngày càng nhiều công trình ở Nhật có vẻ ngoài kỳ lạ. Ảnh: Gizmodo.

Những năm gần đây, các kiến trúc sư Nhật ngày càng đưa ra nhiều giải pháp thú vị trên những khoảng đất nhỏ hẹp. Trong tiếng Nhật, các ngôi nhà siêu nhỏ này được gọi tên là kyosho jutaku đã trở thành trào lưu. Các kiến trúc sư đã định nghĩa lại các nguyên tắc về thiết kế nhà thông qua những công trình độc đáo của mình.

Đối với người dân ở nhiều nước, diện tích bằng chỗ đỗ xe dường như không thể tạo được một nơi để ở đàng hoàng. Nhưng ở Nhật, nhà 2-3 tầng có thể xây trên những khu đất như vậy với các hình dạng dài, hẹp hay tam giác...

Từ "nhà" thực sự vẫn chưa diễn tả được hết sự ấn tượng của các công trình kiến trúc bắt mắt làm từ các tấm chất liệu công nghệ cao, những khối thủy tinh lấp lánh...

Các kiến trúc sư có thể chinh phục đủ các loại mảnh đất với hình dạng khác nhau. Ảnh: Gizmodo.

Tuy nhiên, nhà là để ở nên cần phải đáp ứng được nhu cầu của người sống trong đó. "Nếu bạn cố xây một ngôi nhà theo cách thông thường trên một khu đất nhỏ, chẳng mấy chốc bên trong sẽ lộn xộn và chật chội. Bởi vậy, để nhà tiện dụng mà vẫn thoáng, cần có kết cấu mới", KTS Yasuhiro Yamashita cho biết. Ông là một trong những nhà thiết kế hàng đầu trong lĩnh vực nhà siêu nhỏ.

Trong những ngôi nhà siêu nhỏ, cửa sổ có nhiều hình dạng khác nhau, được bố trí rải rác khắp các bức tường. Phòng tắm được ngăn cách bởi một tấm rèm. Đồ đạc được gập vào tường giúp cho một căn phòng nhỏ có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Bao phủ ngôi nhà có thể là những chất liệu trong, giúp đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà.

Azby Brown là tác giả của cuốn sách Nhà siêu nhỏ: Những ý tưởng giúp người Nhật sống tốt trong không gian giới hạn. Ông cho biết, hình dạng của các ngôi nhà có thể khác lạ, không đối xứng bởi có những căn phòng cần thêm không gian để đáp ứng công năng sử dụng.

Ánh sáng tự nhiên được lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Ảnh: Gizmodo.

Bởi vậy, nhà sang kiểu Nhật nằm trong phạm vi vài chục m2 trong khi nhà kiểu Mỹ là hàng trăm m2. Lý do quan trọng giúp người Nhật có thể sống thoải mái trong không gian hẹp chính bởi thói quen sống của họ không thay đổi nhiều so với truyền thống. Ví dụ như thay vì kê bàn ghế sofa lớn, họ vẫn có thể ngồi bệt với bàn trà đơn giản mà không phàn nàn gì.

Ngoài ra, người Nhật cũng nghĩ về ngôi nhà rộng hơn, trong phạm vi ba chiều chứ không chỉ quan tâm tới diện tích sàn. Khi đó, chủ nhà sẽ có nhiều không gian sử dụng hơn, dễ dàng đem lại nhiều ánh sáng, thông gió cho nhà hơn.

Tin liên quan
Tin khác