- Kiểm soát chặt doanh nghiệp bất động sản huy động vốn qua phát hành trái phiếu
- Vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản
- Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ là “điểm tựa” cho các doanh nghiệp bất động sản
- Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị gì trong buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ?
Hiện tượng “nghẽn” thanh khoản nguồn vốn đang ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp làm ăn tốt. Ảnh: Đức Thanh |
Doanh nghiệp tốt cũng thiếu tiền
Trong chuyến đi châu Á lần này, khi tiếp xúc với giới phân tích chính sách và doanh nghiệp ở nhiều nước, tôi nhận ra một thông điệp chung: nguy cơ khủng hoảng kinh tế do doanh nghiệp không tiếp cận được vốn. Nikkei gọi tình trạng đó ở Hàn Quốc là sự “kiệt quệ thanh khoản tín dụng doanh nghiệp” (corporate debt liquidity crunch).
Một công ty xếp hạng AAA như Korea Electric Power - tập đoàn điện lực hàng đầu Hàn Quốc - cũng không thể huy động được một nửa số tiền vốn cần thiết từ thị trường trái phiếu trong đợt phát hành mới nhất. Đợt mất thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp lan từ các dự án bất động sản như Legoland Korea Resort sang các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu như Korea Electric Power.
Vòng xoáy này được cho là sớm muộn sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng thương mại và khu vực khác ngoài bất động sản. Cụ thể, ở Trung Quốc, đợt vỡ nợ trái phiếu bất động sản được cho là đang lan đến số nợ trên 1.600 tỷ USD của khu vực công Trung Quốc. Lý do là, nhiều doanh nghiệp được hậu thuẫn bởi các chính quyền địa phương đã đứng ra mua lại một số tài sản bán rẻ của các công ty bất động sản lâm vào vỡ nợ như Evergrande, thì nay cũng lâm vào cảnh kẹt dòng tiền.
Chẳng hạn, Bloomberg nêu tên Guangzhou City Construction Investment Group, tập đoàn được hậu thuẫn bởi chính quyền TP. Quảng Châu, đã mua lại phần đất của sân vận động 80.000 chỗ của Evergrande, thì nay lại bị liên lụy trong một vòng xoáy thiếu thanh khoản mới của thị trường vốn Trung Quốc.
Để khai thác được những dự án dở dang của các công ty như Evergrande, các công ty đóng vai “hiệp sĩ trắng” như vậy cần phải có vốn để tiếp tục hoàn thành dự án. Tuy nhiên, những nguồn vốn tưởng như luôn sẵn sàng cho họ đang “đột nhiên biến mất”. Những công ty có bảng cân đối sạch hơn và có thể hoàn thành dự án để khai thác như Guangzhou City Construction đột nhiên cũng thiếu tiền. Còn trong trường hợp của Hàn Quốc, những khoản nợ trái phiếu và đóng băng của các dự án bất động sản được cho là sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Những khoản nợ như 1.600 tỷ USD của khu vực công Trung Quốc được sử dụng để hỗ trợ giảm đà đổ vỡ do các tập đoàn bất động sản “liều ăn nhiều” như Evergrande đúng ra là các khoản vay có chất lượng, mua lại tài sản giá rẻ và có thể khai thác, nhưng nay lại thiếu nguồn vốn hoàn thành dự án.
Doanh nghiệp tốt cũng thiếu tiền là vấn đề lớn nhất của đợt “nghẽn” thanh khoản nguồn vốn (funding liquidity) lúc này ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Vấn đề niềm tin
Vì sao những doanh nghiệp “ăn chắc” như Korea Electric Power hay những tổ chức được hậu thuẫn bởi nhà nước và được mua tài sản giá rẻ mà cũng không tiếp cận được vốn? Tôi đặt câu hỏi này với một thành viên hội đồng quản trị của một ngân hàng được cho là đang dư thừa vốn ở Việt Nam. Câu trả lời là “niềm tin”. Khi các ông ngồi trên liên ngân hàng biết nhau hết còn không tin nhau, thì ai tin người khác?
Một câu trả lời chí mạng. Tôi biết, một người bạn của tôi vừa thu về hơn 60 tỷ đồng do bán tài sản khắp nơi. Anh cho biết, không giải ngân vào nhiều dự án đầu tư dù giá hấp dẫn vì anh không lạc quan với thị trường 6-9 tháng tới.
Nó cũng giống như Nikkei Asia trích dẫn lời của một chuyên gia về thị trường trái phiếu Hàn Quốc. “Nhà đầu tư sẽ không mua trái phiếu lúc này nếu họ tin rằng, lợi suất trái phiếu sẽ còn tăng nữa” (hàm ý nhà đầu tư không mua vào trái phiếu vì nghĩ giá trái phiếu sẽ còn giảm - giá trái phiếu biến động ngược chiều với lợi suất). Đồng thời, hãng tin này cũng ghi nhận: “Nhà đầu tư đang quan sát xem liệu tình trạng mất niềm tin với trái phiếu doanh nghiệp Hàn Quốc có lây lan sang thị trường cổ phiếu và ngoại hối hay không”.
Một cụm từ tôi quan sát lặp lại vài lần trong bài viết trên Nikkei Asia về trái phiếu Hàn Quốc “mất niềm tin” (loss of trust). Rõ ràng, khi nhà đầu tư mất niềm tin, thì bất kỳ trấn an nào cũng là vô ích. Và sự mất niềm tin trên một phân khúc thị trường (trái phiếu) có thể lây lan sang cổ phiếu, ngân hàng và cả nền kinh tế thực.
Khi không tin nhau và mất niềm tin vào triển vọng thị trường, thì người ta không cho vay! Cũng dễ hiểu thôi. Cho nên, vấn đề là phải tái thiết niềm tin trên thị trường.
Thiết lập lại niềm tin để giải quyết câu chuyện “doanh nghiệp cạn tiền”, chứ không phải đặt vấn đề “cứu hay không cứu bất động sản”
Những câu chuyện ở trên cho thấy, cách tiếp cận chính sách đang bị đặt ra sai. Người ta tranh luận xem có nên cứu trái phiếu bất động sản hay không, thậm chí biến nó thành câu chuyện “cứu bất động sản”. Nhưng họ lại không nhìn thấy tầm nhìn xa hơn.
Trung Quốc vừa thay đổi chính sách, đưa ra 16 trọng điểm giải cứu thị trường bất động sản, sau một thời gian dài siết thị trường này. Sau đó, họ còn mở luôn cả van đã đóng lâu nay là cho phép các nhà phát triển được sử dụng tiền nộp trước của nhà đầu tư để hoàn thành dự án bất động sản (trước đây là khóa hoàn toàn “van nước” này). Nhìn tổng thể, không phải Trung Quốc “cứu” bất động sản, mà họ đi rã băng thanh khoản nguồn vốn để doanh nghiệp có dự án tốt, tài sản sạch, vay nợ ít, có thể có tiền để hoàn thành dự án, bán sản phẩm thu tiền về, gỡ rối cho dòng tín dụng 1.600 tỷ USD đang có nguy cơ chuyển thành nợ xấu.
Vì vậy, đặt vấn đề “cứu” hay “không cứu” ở đây là sai bản chất. Vấn đề hiện tại của nền kinh tế có 2 tầng.
Tầng thứ nhất là thanh khoản nguồn vốn toàn cầu sụt giảm, do lãi suất của các ngân hàng trung ương chính như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh và tiền không còn rẻ.
Tầng thứ hai là vấn đề nội tại của việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số doanh nghiệp bất động sản, cũng như một số cá nhân thao túng các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán như FLC, VTP.
Tầng thứ hai tuy tưởng là vấn đề cục bộ một số doanh nghiệp, nhưng đang lây lan ra cả thị trường trái phiếu và lan sang cả thị trường vốn chủ đạo là ngân hàng. Lúc này, cần chặn lây lan đám cháy và gây dựng lại niềm tin của các chủ thể trên thị trường, để họ sẵn sàng cho đối tác tốt vay và người có tiền chấp nhận mua tài sản đã giảm giá.
Muốn vậy, phải có động thái chính sách để lập lại niềm tin. Trong bối cảnh đó, có thể cần những giải pháp tháo gỡ cho bất động sản như Trung Quốc đang làm. Nhưng nó không phải là “cứu bất động sản” để các đại gia bất động sản đẩy giá cao nữa, mà là giải cứu nền kinh tế khỏi một đợt “sóng thần” về thu hẹp thanh khoản nguồn vốn đang được cho là sẽ quét qua ASEAN trong vòng 2 quý tới, khi một đợt “hạn hán” thanh khoản đang được cho là sẽ quét qua toàn bộ Mỹ và châu Âu kể từ quý IV/2022 và sẽ lây lan ra toàn cầu.
Cùng một công cụ, nhưng mục tiêu khác nhau, do đó không nên đặt vấn đề sai để rồi không dùng công cụ đó. Người ta có thể dùng lửa để sưởi ấm và cũng có thể dùng lửa để đốt nhà. Vì tránh lửa đốt nhà mà không dùng lửa thì có thể bị đóng băng mà chết.