Căn cứ Phụ lục hợp đồng giữa Trung Tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và DIC Corp ký ngày 17/6/2017, ngày 16/6 vừa qua, DIC Corp đề nghị VSD cung cấp danh sách cổ đông của Công ty chốt tại ngày 31/5, 1/6, 2/6, 3/6, 6/6, 7/6, 8/6, 9/6, 10/6, 13/6, 14/6, 15/6 và 16/6 (13 phiên giao dịch gần nhất) để cập nhật cơ cấu cổ đông của Công ty.
Đây là động thái hiếm xuất hiện trên sàn chứng khoán, lại diễn ra sau khi cổ phiếu DIG có diễn biến tăng mạnh trong năm 2021 nhưng bước sang năm 2022, cổ phiếu DIG lại có dấu hiệu bị bán tháo và liên tục xuất hiện các phiên dư bán sàn với khối lượng lớn.
Cụ thể, trong 13 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu DIG có 11 phiên giảm và 2 phiên tăng. Trong đó, có 4 phiên dư bán sàn với khối lượng lớn.
Cổ phiếu DIG liên tục bị bán mạnh từ đầu năm 2022 tới nay. |
Thêm nữa, trong 13 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu DIG giảm 36,4% từ 61.400 đồng về 39.050 đồng/cổ phiếu. Nếu nhìn rộng hơn, từ 11/1 đến 16/6, cổ phiếu DIG giảm 67,4% từ 119.800 đồng về 39.050 đồng/cổ phiếu và thuộc cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE.
Cổ đông lớn liên tục bán ra cổ phiếu
Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân vừa bán ra 1,85 triệu cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 18,07% về còn 17,7% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 17/5.
Trước đó, Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam liên tục bán ra cổ phiếu DIG. Cụ thể, từ ngày 13/1 đến ngày 14/1, Him Lam bán ra 6.228.000 cổ phiếu DIG; Từ ngày 17/1 đến ngày 21/1, Him Lam bán thêm 5.953.900 cổ phiếu DIG;
Từ ngày 5/4 đến ngày 6/4, Him Lam bán thêm 5.313.200 cổ phiếu DIG; Từ ngày 7/4 đến ngày 8/4, Him Lam bán thêm 2.411.500 cổ phiếu DIG; Từ ngày 12/4 đến ngày 14/4, Him Lam bán thêm 7.432.600 cổ phiếu DIG; ngày 15/4, Him Lam bán thêm 3.999.900 cổ phiếu DIG; từ ngày 18/4 đến ngày 19/4, Him Lam bán 4.259.100 cổ phiếu DIG; và từ 20/4 đến 27/4, Him Lam bán thêm 4.346.300 cổ phiếu DIG để giảm sở hữu về 4,9% vốn điều lệ, chính thức không còn là cổ đông lớn.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Him Lam đã bán 39.941.500 cổ phiếu DIG, tương ứng 8,02% vốn điều lệ.
Được biết, trong Báo cáo thường niên năm 2021 (21/3/2022), cổ đông lớn của DIG có 4 cổ đông, bao gồm Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thiên Tân sở hữu 18,08% vốn điều lệ; Địa ốc Him Lam sở hữu 10,54% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT sở hữu 10,09% vốn điều lệ; ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT sở hữu 10,28% vốn điều lệ và còn lại 51,01% về nhóm cổ đông khác.
Như vậy, ngay sau khi cổ đông lớn thứ hai là Địa ốc Him Lam liên tục thoái và không còn là cổ đông lớn tới lượt cổ đông lớn nhất Thiên Tân bán ra cổ phiếu DIG.
Quý I/2022, hoàn thành 4,6% kế hoạch lợi nhuận năm và dòng tiền âm 1.496 tỷ đồng
Trong quý I/2022, DIC Corp. ghi nhận doanh thu đạt 518,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 61,59 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,7% và 43,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận tăng từ 24,6% lên 33,2%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 40% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 49,2 tỷ đồng lên 172,3 tỷ đồng, doanh thu tài chính tăng 20,74 tỷ đồng lên 23,98 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 143,1%, tương ứng tăng thêm 22,74 tỷ đồng lên 28,1 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 42,1%, tương ứng tăng thêm 21,88 tỷ đồng lên 73,85 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Năm 2022, DIC Corp. đạt kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập khác 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,2% và 48,2% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc quý đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 87,14 tỷ đồng, công ty chỉ hoàn thành 4,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính âm 1.495,99 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 175,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 1.629,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 441,7 tỷ đồng.
Được biết, DIC Corp. đã có 3 năm dòng tiền kinh doanh chính âm liên tục. Cụ thể, năm 2019 âm 245 tỷ đồng, năm 2020 âm 504 tỷ đồng và năm 2021 âm kỷ lục 1.966 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của DIC Corp, giảm 2,7% so với đầu năm, về mức 16.393,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 4.042 tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.846,1 tỷ đồng, chiếm 23,5% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 3.795,9 tỷ đồng, chiếm 23,2% tổng tài sản và các tài sản khác.