Cụ thể, theo chương trình hành động cá nhân của bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM dự báo, sau đại dịch Covid- 19, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái, nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí của khách du lịch quốc tế sẽ suy giảm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Với những thách thức như trên, việc tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh và thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh là xu thế tất yếu để khẳng định vị trí, vai trò của du lịch thành phố.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tại TP.HCM 10 tháng năm 2020. |
Lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM nhắc đến tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á cùng 4 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 gồm: tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2021-2025 từ 8% đến 9%; tổng doanh thu của ngành đạt từ 12 đến 14 tỷ USD; đóng góp vào GRDP Thành phố từ 12% đến 14%; đóng góp vào ngành dịch vụ của Thành phố từ 19% đến 21%.
Để đạt 04 chỉ tiêu trên bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cũng đưa ra 09 giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, tập trung công tác phòng chống dịch Covid-19 trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thông qua giải pháp kích cầu, tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu nguồn nhân lực và xây dựng nền tảng chuyển đổi số.
Cùng với đó là thường xuyên lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri thành phố để tiếp tục tham mưu, kiến nghị các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.
Thứ hai, phối hợp các sở ngành, quận - huyện triển khai Chiến lược phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030, chú trọng thu hút, kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển du lịch; chủ động tham gia tích hợp các yêu cầu phát triển du lịch trong quy hoạch chung và trong quá trình đầu tư,…
Thứ ba, triển khai hiệu quả 02 chương trình, đề án thuộc Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.
Hai chương trình này gồm Đề án phát triển du lịch thông minh và chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, đề án du lịch thông minh sẽ triển khai xây dựng kho dữ liệu du lịch tích hợp của Thành phố; phát triển hệ sinh thái kinh doanh thông minh; tăng tiện ích và trải nghiệm cho du khách,..
TP.HCM kỳ vọng thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh minh hoạ: Du khách tham quan tại chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ cuối tháng 11/2020 - Hồng Phúc). |
Thứ tư, tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo hướng vừa đặc trưng vừa đa dạng để khai thác tiềm năng, lợi thế của Thành phố và thỏa mãn thị hiếu, nhu cầu của nhiều phân khúc khách du lịch.
Trong đó, chú trọng phân khúc khách có chi tiêu cao.
Cụ thể, tập trung phát triển 03 nhóm sản phẩm chủ lực gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực và du lịch mua sắm cùng 04 nhóm sản phẩm tiềm năng tạo sự khác biệt gồm du lịch đường thủy, du lịch MICE, du lịch y tế, du lịch giải trí và hoạt động về đêm.
Thứ năm, đổi mới, sáng tạo trong công tác xúc tiến du lịch như định vị thương hiệu du lịch thành phố gắn với khẩu hiệu “Vibrant Ho Chi Minh City"- Sức sống TP.HCM, thông qua các chiến dịch truyền thông ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; tăng cường ứng dụng công nghệ,…
Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành thông qua hoàn thành việc xây dựng và triển khai đề án “Thành phố Hồ Chí Minh – Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực”; đề xuất cơ chế khuyến khích mô hình “Doanh nghiệp trong Trường” và “Trường trong Doanh nghiệp”;…
Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch,…
Thứ tám, triển khai các nội dung Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh thành, vùng miền trong cả nước đảm bảo thực chất và hiệu quả; phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch trong quá trình triển khai các liên kết,…
Cuối cùng, triển khai các hoạt động phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm như chú trọng các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập của người dân; nâng cao ý thức của doanh nghiệp và du khách trong tôn tạo và bảo vệ môi trường,…