Du lịch
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM: Thị trường du lịch đã bắt đầu ấm lên
Trọng Tín - 11/07/2020 15:56
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhận định, thị trường du lịch đã bắt đầu ấm lên, chứng tỏ hiệu ứng tích cực của chương trình kích cầu du lịch nội địa Thành phố được phát động từ ngày 9/6.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND (ảnh: Trọng Tín)

Ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX, đã diễn ra buổi chất vấn Sở Du lịch về nhiệm vụ, giải pháp khôi phục thị trường du lịch trong 6 tháng cuối năm.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, đây là giai đoạn khó khăn nhất bởi du lịch là ngành bị tác động đầu tiên và đi sau cùng trong quá trình phục hồi sau dịch.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, ngành du lịch vẫn phải dựa vào thị trường nội địa, bởi nếu mở cửa lại thị trường quốc tế theo hình thức song phương (du khách đến từ các thành phố an toàn sau dịch), TP.HCM cũng không phải là địa phương có thể đón nhận xu hướng này vì không có những khu du lịch biệt lập.

Tuy nhiên, nếu du khách đến các khu nghỉ dưỡng biệt lập ở những tỉnh ven biển, nhiều doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM cũng hưởng lợi vì có địa bàn hoạt động rộng khắp.

“Thành phố đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khôi phục thị trường khách trong nước như tung chương trình kích cầu lớn; chuẩn bị tổ chức ngày hội du lịch TP.HCM trong tháng 7; kết nối vùng, ký thỏa thuận hợp tác với các địa phương khác kèm kế hoạch hành động; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bán hàng”, ông Vũ cho biết.

Về nguồn nhân lực, ông Vũ khẳng định, Thành phố xác định nguồn nhân lực rất quan trọng. Năm 2019, TP.HCM có 145.000 người làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó 70% đã qua đào tạo.

“TP.HCM có thế mạnh là nơi có 54 trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành đạo tạo về du lịch. Dù ứng dụng công nghệ thông tin thế nào thì nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch về kỹ năng, thái độ ứng xử văn hóa, thể hiện vai trò đại sứ phải luôn luôn được bồi đắp”, ông Vũ nói.

Ông Vũ cho biết thêm, Sở Du lịch đang nỗ lực để ngăn chặn việc các công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn Thành phố phải giải thể. Theo ông, 1.300 doanh nghiệp du lịch tại Thành phố là nguồn lực quan trọng để hồi phục ngành.

Trong tháng 6, ngành du lịch TP.HCM đạt doanh thu 3.882 tỷ đồng, sụt giảm 65% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, đây là tín hiệu tích cực khi tháng 4 và tháng 5, mức doanh thu chỉ đạt 1.760 tỷ và 2.866 tỷ đồng. Nhiều cơ sở lưu trú 4 - 5 sao, vốn phụ thuộc nhiều nhất vào lượng khách quốc tế, nay đã đạt công suất 40% ở nội thành và 30% ở ngoại thành. Một số địa điểm ghi nhận công suất đến 50%.

“Thị trường du lịch đã bắt đầu ấm lên, chứng tỏ hiệu ứng tích cực của chương trình kích cầu du lịch nội địa Thành phố được phát động từ ngày 9/6”, ông Vũ nói và kỳ vọng thị trường khách nội địa có thể hồi phục 80% so với trước dịch. Khi các điều kiện cho phép, ngành du lịch sẽ mở cửa đón khách quốc tế trở lại dựa trên bộ tiêu chí an toàn đang được xây dựng.

Quy hoạch sông Sài gòn để phát triển du lịch đường thủy

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, thị trường du lịch đường thủy ở TP.HCM mỗi năm đón 450.000 khách du lịch quốc tế qua đường tàu biển nhưng khu vực phía Nam gặp nhiều khó khăn vì tàu thủy phải cập cảng Thị Vải - Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) rồi đi ô tô về Thành phố.

Những năm gần đây có sự khởi sắc, hiện có 87 phương tiện khai thác 7 tuyến du lịch kết nối các tỉnh lân cận, đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia, Thái Lan. Dù vậy, ông Vũ nhận định đây là sản phẩm du lịch có tính tiềm năng, cần phải mất 3 - 5 năm để quy hoạch lại bờ sông Sài Gòn, các khu đô thị ven sông thì mới phát triển được.

Về du lịch y tế, theo thống kê, hằng năm người Việt Nam đi nước ngoài chữa bệnh khoảng 300.000 người, chi khoảng 2 tỉ USD, ngược lại người nước ngoài chi 1 tỉ USD, năng lực TP.HCM chiếm 40%. Ông Vũ cho biết TP.HCM đã khởi động từ 3 năm trước, tập trung phát triển du lịch y tế trên thế mạnh về tầm soát, y học dân tộc, nha khoa và spa, làm đẹp...
Tin liên quan
Tin khác