Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cân nhắc việc nới lỏng thêm, vì chính sách tiền tệ đã bão hòa và không còn nhiều dư địa.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM. |
Tỷ giá tăng nhẹ gần đây là do đâu, thưa ông?
Theo tôi, tỷ giá tăng gần đây xuất phát từ hai nguyên nhân: chênh lệch lãi suất của Việt Nam và Mỹ không còn nhiều và yếu tố mùa vụ (tỷ giá thường tăng vào tháng 8 - 9, khi mùa tựu trường sắp tới và sức mua tăng). Thêm vào đó, việc giảm lãi suất quá liều cũng gây ra tác dụng phụ, tạo áp lực lên tỷ giá. Rủi ro về tỷ giá là có, nên NHNN cũng cân nhắc để có những biện pháp đảm bảo an toàn cho tỷ giá.
Như vậy, từ giờ đến cuối năm, lãi suất điều hành khó giảm thêm?
Khả năng lãi suất không còn nhiều dư địa giảm và NHNN cũng sẽ cân nhắc việc điều chỉnh lãi suất điều hành, vì dư địa chính sách tiền tệ không còn quá lớn. Hơn nữa, nếu NHNN tiếp tục giảm lãi suất, cũng không hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng, mà còn gây căng thẳng về tỷ giá.
Một điểm nghẽn rất lớn trong chính sách tiền tệ hiện nay là dù lãi suất thấp, nhưng doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn thì cũng không vay được. Như vậy, dòng vốn cũng không chảy ra nền kinh tế.
Khi kê đơn thuốc, liều lượng phải phù hợp, bởi uống thuốc quá liều sẽ bị tác dụng phụ. Tác dụng phụ của việc hạ lãi suất là lạm phát và tỷ giá có thể quay trở lại. Việc giảm lãi suất dường như mang lại hiệu quả, nhưng cũng đã bão hòa, tức là giờ có giảm thêm thì cũng không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế.
Theo ông, rủi ro dòng vốn đảo chiều khi áp lực tỷ giá tăng có lớn không?
Lãi suất của Mỹ hiện khoảng 5,5%, còn tại Việt Nam khoảng 5-6% và tiếp tục xu hướng giảm khi chủ trương đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng vẫn đang được thực thi. Nếu Việt Nam giảm thêm lãi suất, thì chênh lệch lãi suất trong nước và Mỹ không còn nhiều.
Khi chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ thấp, dòng vốn có khả năng đảo chiều, nhà đầu tư sẽ tìm đến thị trường có lãi suất cao và đây cũng chính là con dao hai lưỡi khiến tỷ giá tăng cao. Có thể, trong ngắn hạn, tỷ giá tăng cao sẽ tác động đến nhập khẩu lạm phát, vì vậy, NHNN cần quan sát động thái của cán cân dòng vốn.
Với những thời điểm mùa vụ như hiện nay, không nên can thiệp quá nhiều vào tỷ giá, do nhu cầu cao nên tỷ giá sẽ tăng nóng, sau đó giảm trở lại. Giai đoạn này chưa cần sử dụng đến dự trữ ngoại hối để can thiệp, bởi sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, nhà điều hành cần theo dõi sát sao cán cân thanh toán, đặc biệt là cán cân tài khoản vốn để có động thái can thiệp thị trường và tỷ giá phù hợp.