Ngân hàng - Bảo hiểm
Giảm lãi suất, tín dụng có tăng mạnh cuối năm?
Thùy Vinh - 28/11/2019 08:56
Không chỉ nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, mà hầu hết các nhà băng đã vào cuộc đua giảm lãi suất huy động và cho vay. Tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo ở mức 12 - 13%.
Tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo ở mức 12 - 13%.

Tín dụng tăng trong quý IV/2019

Mùa kinh doanh cuối năm đang vào những tháng cao điểm. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng đẩy vốn kinh doanh, cho dù room tín dụng vẫn là một trong những hạn chế đối với một số nhà băng hiện nay. Vì vậy, cắt giảm lãi suất được xem là một trong những điều kiện tích cực để các ngân hàng đẩy mạnh vốn cho vay.

Vietcombank, BIDV, Agribank đã đồng loạt giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm. Với các lĩnh vực ưu tiên, mức lãi suất tối đa là 5%/năm với cho vay ngắn hạn, thấp hơn 1,5% một năm so với quy định của NHNN.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho hay, đây là đợt giảm lãi suất lớn nhất từ trước đến nay, bởi được áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, thay vì chỉ trong lĩnh vực ưu tiên như trước đây.

Ngoài nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, thì khối cổ phần như Eximbank, Ngân hàng Bản Việt, LienVietPostBank, ACB, MB, VPBank... cũng hạ lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5 - 1% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu tiên đặc biệt với các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Thanh khoản đang dồi dào là điều kiện để cắt giảm chi phí đầu vào. Việc giảm lãi suất dịp này được nhận định sẽ kích thích nhu cầu vay của các doanh nghiệp trong thời điểm cuối năm. ACB giảm thêm 0,2%/năm lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đối với kỳ hạn dài. Song song với việc giảm lãi suất huy động, ACB cũng giảm lãi suất cho vay xuống còn từ 7%/năm.

Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, không phải đến thời điểm này, Ngân hàng mới giảm lãi suất mà trước đó, vào cuối tháng 10/2019, nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có nguồn vốn kịp thời để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm và khởi động kế hoạch kinh doanh năm 2020, ACB đã đưa ra gói tín dụng ưu đãi lên đến 5.000 tỷ đồng giải ngân đến hết năm 2019, với lãi suất cho vay từ 7,5%/năm.

Tín dụng ACB đến cuối tháng 9/2019 tăng 11,1% so với room nhận được năm nay là 17%. Vì thế, dư địa cho vay của ACB trong quý IV/2019 còn, nhưng không lớn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, tín dụng luôn tăng cao trong mùa kinh doanh cao điểm quý IV, vì vậy, việc giảm lãi suất sẽ tác động tích cực lên tín dụng. Tại OCB, room tín dụng còn lại không nhiều, song do OCB đẩy mạnh bán lẻ, nên hoạt động cho vay vẫn liên tục xoay vòng.

Được kiểm soát giúp ổn định lãi suất

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố báo cáo triển vọng ngành quý IV/2019, trong đó đề cập sâu ngành ngân hàng. Báo cáo cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng nửa đầu năm ở mức 8,64%, thấp hơn so với mức 9,52% của cùng kỳ năm 2018 (đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9,4% theo cập nhật của Thống đốc NHNN tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra). Cơ cấu cho vay vẫn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng và thương mại - những lĩnh vực được ưu tiên cho vay của Chính phủ. Mức cung tiền M2 (tiền gửi tiết kiệm) tăng trưởng lũy kế hết 9 tháng đạt 8,6% so với đầu năm 2019, tương đương mức tăng trưởng tín dụng. Theo BSC,  cung - cầu tín dụng được kiểm soát tốt giúp mặt bằng lãi suất ổn định (trung bình lãi suất cho vay ngắn hạn là 6 - 9%, trung và dài hạn ở mức 9 -11%).

Về triển vọng quý IV/2019, BSC đánh giá, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống có thể sẽ đạt mức 12 - 13%, chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn cùng việc siết chặt cho vay các ngành nghề rủi ro; nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do kinh tế  giảm tốc.

Theo giới phân tích tài chính, khả năng tăng trưởng dư nợ năm nay không đạt mục tiêu. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, với tốc độ tăng trưởng hiện tại và trần tín dụng cho từng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng năm 2019 có thể chỉ đạt mức 13,2%, vì khả năng nới thêm room cho ngân hàng rất ít.

Hiện không ít ngân hàng cạn room đệ trình NHNN xin nới thêm để có dư địa cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, song khó được chấp thuận. Theo định hướng của NHNN, kể từ đầu năm 2019, các nhà băng có chất lượng tài sản tốt hoàn toàn có thể được nới room tín dụng. Điều này đã từng xảy ra vào giữa năm 2019, khi nhiều nhà băng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế Basel II. Thế nhưng, NHNN chỉ nới room cho một số nhà băng như ACB (từ 13% lên 17%), VPBank (từ 12% lên 16%), Techcombank (từ 13% lên 17%), MB (từ 13% lên 17%).

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia tài chính cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng như hiện tại đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao. Điều này cho thấy, vốn ngân hàng đang được sử dụng ngày càng hiệu quả, nên không nhất thiết phải đạt mục tiêu 14%.

Việc tín dụng được kiểm soát ở mức phù hợp, theo các nhà phân tích tài chính, là điều kiện tích cực giúp ổn định mặt bằng lãi suất trong năm 2020.

Tin liên quan
Tin khác