Ngân hàng - Bảo hiểm
Giảm sức ép tăng trưởng tín dụng
Thùy Vinh - 07/08/2018 09:18
Tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nay khá thấp, nhưng được xem là hợp lý để kiềm chế lạm phát.

Tín dụng giảm tốc để kìm lạm phát

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng 7,88% - mức thấp nhất trong 3 năm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong các giai đoạn 2008 - 2009 và 2013 - 2014, do lo ngại ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, NHNN đã thắt chặt tín dụng, nên bình quân tăng trưởng hàng năm chỉ 8 - 10%. Trong 3 năm trở lại đây, cơ chế tín dụng linh hoạt hơn, cho phép tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm 17 - 18%, nhưng năm 2018, sức ép tăng trưởng tín dụng giảm.

 Năm 2018, tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn mục tiêu 1 - 2% và lãi suất sẽ khó giảm

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế - tài chính, tăng trưởng tín dụng giảm tốc là do NHNN muốn thận trọng thông qua kiểm soát chặt cung tiền M2 và cho vay mới trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu bùng phát.

Đến thời điểm này, hạn mức tín dụng của một số ngân hàng đã cạn room và kỳ vọng được NHNN nới room để mở rộng cho vay trong nửa cuối năm. Nhưng theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt chưa tới phân nửa, dư địa còn nhiều, song trong bối cảnh hiện nay, không nên đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng quá cao, nhất là khi áp lực lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng.

Cũng theo TS. Lực, áp lực lạm phát năm nay mạnh hơn các năm trước do giá hàng hóa và giá dầu  thế giới tăng, với dự báo giá dầu tăng 25 - 30%, giá hàng hóa tăng khoảng 5%. “Rõ ràng, áp lực nhập khẩu lạm phát của chúng ta tăng. Bên cạnh đó, lộ trình tăng giá một số hàng hóa trong nước, áp lực tăng tỷ giá cũng góp phần tác động lên lạm phát…”, TS. Lực nói.

Với tình hình như vậy, theo các chuyên gia, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đồng thời theo dõi chặt chẽ các biến động bên ngoài, đặc biệt là chính tranh thương mại Mỹ - Trung, để từ đó có các biện pháp phù hợp.

Lãi suất khó giảm?

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay khá tốt, nhưng cũng không dễ giảm lãi suất. Dẫu vậy, với quyết tâm của Chính phủ và NHNN, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định. Trên thực tế, NIM (thu nhập lãi cận biên) trong hoạt động cho vay của các ngân hàng Việt Nam hiện nay thấp hơn so với các nước trong khu vực, nên để giảm lãi suất, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí hoạt động.

Mới đây, NHNN đã có Công văn số 5321/NHNN-TTGSNH gửi các ngân hàng về việc thực hiện quy định về lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng chú trọng lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nhu cầu vốn đối với lĩnh vực ưu tiên.

Các chuyên gia đoán định rằng, trong năm 2018, tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn mục tiêu 1 - 2% và lãi suất sẽ khó giảm. TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định: “Chúng ta luôn muốn điều hành chính sách tiền tệ đạt được cả 2 mục tiêu là vừa ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là duy trì giá trị đồng tiền, thông qua giữ lạm phát thấp, vừa ổn định tỷ giá, nhưng lại tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, năm nay, có thể mục tiêu trên sẽ khác so với năm 2017. Định hướng về chính sách tiền tệ không nên đặt nặng việc phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, không nên nới lỏng chính sách tiền tệ để tăng trưởng, mà hướng chính sách tiền tệ tới mục tiêu duy trì ổn định, đảm bảo lạm phát thấp”.

Thay vì áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, TS. Thành cho rằng, cần điều hành bằng cách không hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với những ngân hàng đủ vốn, nợ xấu. Ngược lại, những ngân không đảm bảo đủ vốn, thì không được tăng trưởng tín dụng thêm.

Nhóm nghiên cứu Trường đại học Ngân hàng TP.HCM tính toán, năm 2018, nếu GDP danh nghĩa tăng trưởng 11% (tương đương GDP thực tăng trưởng 7%), tín dụng tăng 15 - 17%, thì độ lệch tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức 4 - 6%. Đây là mức hợp lý với các quốc gia đang phát triển và còn dựa nhiều vào vốn như Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác