Gian lận thương mại chưa được xử lý triệt để
Phát biểu tại Hội thảo Thách thức và triển vọng thị trường gas, tổ chức tuần qua tại Hà Nội, ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phân phối hàng hóa và Dịch vụ thương mại (Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) cho biết, 5 năm trở lại đây, thị trường khí hóa lỏng (LPG) của nước ta liên tục tăng trưởng bình quân hằng năm trên 12%. Hai trụ cột chính tiêu thụ LPG là cơ sở công nghiệp, giao thông - vận tải (chiếm 35%) và các cơ sở thương mại, dịch vụ, hộ tiêu thụ dân dụng (chiếm 65%).
Gian lận thương mại trong kinh doanh gas chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh gas tại Việt Nam |
Thị trường hiện có trên 80 thương nhân kinh doanh khí LPG có nhãn hiệu, khoảng 200 tổng đại lý LPG và 13.000 cửa hàng bán LPG chai. Gas là sản phẩm có nguy cơ cháy, nổ rất cao, nhưng thời gian qua, tình trạng gian lận thương mại, chiết nạp gas trái phép diễn ra phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh gas, làm rối thị trường và gây mất lòng tin của người tiêu dùng..
Cùng chung nhận định về thị trường gas hiện nay, ông Trần Trọng Hữu, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam nhấn mạnh, tình trạng sang chiết gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas là vấn đề nổi cộm, liên tục kéo dài. Thực trạng này không chỉ làm méo mó môi trường kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến các thương hiệu kinh doanh gas lành mạnh mà còn dẫn đến hệ quả là làm những công ty nước ngoài uy tín nản lòng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi, sự an toàn của người tiêu dùng.
“Gian lận thương mại trong kinh doanh gas chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh gas tại Việt Nam, khiến các thương hiệu nổi tiếng như Shell Gas, Total Gas, BP Gas, Thăng Long Gas phải thu gọn lại hoặc phải rút khỏi thị trường”, ông Hữu thông tin.
Trên thực thế, thời gian qua, Total, BP, Shell... đã chi khá nhiều tiền cho việc bảo vệ thương hiệu, nhưng hiệu quả mang lại không nhiều.
Theo thông tin từ Hiệp hội Gas Việt Nam, trong năm 2017, nhiều vụ vi phạm lớn đã được các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra thu giữ hàng ngàn bình gas bị chiếm dụng trái phép và tiến hành xử lý theo quy định pháp luật như các vụ việc ở Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), Dị Sử (Hưng Yên), Trảng Bàng (Tây Ninh)…
Đại diện Hiệp hội Gas kiến nghị, tịch thu bình gas vi phạm trả lại cho chủ sở hữu, có chế tài xử phạt thật nặng để răn đe, hạn chế tái vi phạm. Hiệp hội cũng đề nghị xây dựng và ban hành thông tư về xử lý trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Alttek Global JSC, ông Trần Hữu Tuấn, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh cho rằng, để thị trường gas hoạt động lành mạnh, doanh nghiệp gas phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng niêm phong, tem chống hàng giả…
Thách thức từ việc phụ thuộc nguồn cung nhập khẩu
Với quy mô dân số gần 95 triệu người và nền kinh tế đang tăng trưởng, Việt Nam được đánh giá là thị trường kinh doanh gas tiềm năng. Tuy nhiên, nguồn cung LPG trong nước từ Nhà máy GPP Dinh Cố và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với sản lượng hơn 750.000 tấn/năm mới chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu, do đó, hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn LPG để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Theo ông Hiếu, do nguồn cung trong nước còn hạn chế, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, nên cơ chế điều chỉnh giá gas trong nước phụ thuộc vào biến động giá thế giới và sự lên xuống của tỷ giá.
Đơn cử, giá gas tháng 9/2018 do các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối mặt hàng gas tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam công bố tăng 11.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 8/2018. Nguyên nhân tăng giá được lý giải là do giá gas thế giới tháng 9/2018 ở mức 617,5 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với tháng 8/2018.
Bên cạnh đó, những tháng gần đây, tình hình tỷ giá VND/USD biến động đã tác động kéo giá gas tăng theo. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2018, giá khí trong nước luôn cùng chiều với giá thế giới với 7 lần điều chỉnh (2 lần tăng và 5 lần giảm).
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phụ trách Ban Thị trường của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas) phân tích, do sản lượng khí trong nước suy giảm, nên sẽ phải gia tăng nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Theo đó, xu hướng giá khí cao sẽ là thách thức cho việc phát triển đồng bộ hạ tầng khí, thu gom các nguồn khí.n
Doanh nghiệp kinh doanh gas nên tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ thương hiệu.