Phục hồi môi trường tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng rất chậm chạp |
Hết thời hạn vẫn khai thác lậu
Nhiều năm qua, hoạt động khai thác rầm rộ ở những mỏ đá tại dãy núi Phước Tường (nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu, quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Người dân mong ngóng từng ngày các mỏ đá đóng cửa và phục hồi môi trường.
Ngày 2/8/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng đã có văn bản lấy ý kiến về việc gia hạn Giấy phép khai thác mỏ đá Phước Tường cho Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng. Theo Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà TP. Đà Nẵng cấp cho công ty này, thì từ ngày 30/6/2020, mỏ đá Phước Tường đã phải đóng mỏ, dừng khai thác.
Các hộ dân khu dân cư số 11, phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) đã phản đối việc xin gia hạn Giấy phép khai thác mỏ đá Phước Tường của Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng. Báo cáo tổng hợp ý kiến người dân của phường Hòa Phát cho thấy, trong những năm công ty này khai thác đá, người dân phải chịu mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, với tiếng ồn, bụi đá mù mịt. Từ ngày mỏ đá ngưng khai thác, thì môi trường trong lành hơn rất nhiều, vì vậy, người dân đề nghị Thành phố không gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng tại mỏ Phước Tường lần nữa.
“Nếu gia hạn giấy phép khai thác mỏ đá Phước Tường, chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trong khu vực, với gần 600 hộ gia đình”, các hộ dân nêu ý kiến.
UBND Phường Hòa Phát cũng có văn bản gửi Sở TN&MT, không thống nhất gia hạn hoạt động của mỏ đá Phước Tường. Đề nghị Sở TN&MT kiểm tra việc tận thu đá của mỏ, xem xét việc dừng hoạt động khai thác tại mỏ đá này.
Đáng chú ý, không ít lần người dân và chính quyền phường Hòa Phát phát hiện việc khai thác trái phép tại mỏ đá Phước Tường. Theo báo cáo của UBND phường Hòa Phát, ngày 20/10/2021, người dân trình báo việc mỏ đá Phước Tường tổ chức hoạt động khai thác, xay, vận chuyển đá. UBND phường Hòa Phát đã tiến hành kiểm tra thực tế thì phát hiện tại hiện trường mỏ đá này đang vận hành một hệ thống máy xay đá và 1 xe tải vận chuyển đá. Tiếp tục, đến ngày 21/10/2021, người dân khu dân cư 11 tiếp tục phản ánh mỏ đá Phước Tường vẫn hoạt động.
Đoàn công tác của phường Hòa Phát và Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cẩm Lệ khẳng định, việc khai thác đá của mỏ Phước Tường thời điểm đó là trái phép, bởi giấy phép khai thác của công ty này đã kết thúc từ cuối tháng 6/2020.
Đến nay, dù đã dừng 2 năm, song mỏ đá Phước Tường chưa tiến hành phục hồi môi trường. Đây cũng là tình trạng chung của không ít mỏ đá. Chẳng hạn, mỏ đá Đà Sơn B, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) được cấp cho Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vạn Tường khai thác, giấy phép đến hết năm 2020 là phải chấm dứt hoạt động, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, đầu tháng 9/2022, tại mỏ đá này, các xe cơ giới múc đá, chở đá vẫn hoạt động, trong khi từ tháng 1/2021, Sở TN&MT Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá Đà Sơn B.
Cạnh đó là khu mỏ đá được cấp phép cho Công ty Phú Mỹ Hòa (phường Hòa Khánh Nam) khai thác 3,8 ha, trữ lượng 1.467.400 m3, thời hạn đến tháng 8/2018. Hiện công ty này đang chỉnh sửa, bổ sung Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đá xây dựng tại phần mở rộng mỏ đá Đà Sơn. Song tại đây, Công ty Phú Mỹ Hòa đang xây dựng Dự án Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn rộng hơn 6,5 ha (trong đó có diện tích 3,62 ha của mỏ đá Đà Sơn mở rộng trả lại).
Ông Bùi Trung Khánh, Phó chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết, hầu hết các mỏ đá trên địa bàn phường đã hết thời hạn khai thác, nhưng riêng Công ty Phú Mỹ Hòa có giấy phép làm con đường lên Dự án Khu văn hóa tâm linh Đà Sơn trên núi, vì thế được phép khai thác đá, thời hạn đến hết năm 2023.
Phớt lờ nghĩa vụ
Việc khai thác các mỏ khoáng sản góp phần phục vụ quá trình xây dựng chỉnh trang đô thị của TP. Đà Nẵng trong nhiều năm qua, song bên cạnh những hiệu quả mang lại, cũng để lại nhiều hệ luỵ cho môi trường và cuộc sống người dân. Không ít doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Dù đã dừng khai thác, đóng cửa mỏ nhiều năm, nhưng quá trình phục hồi môi trường tại các mỏ rất chậm chạp.
Thống kê cho thấy, tại huyện Hòa Vang hiện có 13 mỏ khoáng sản đang phục hồi môi trường, riêng tại xã Hòa Nhơn có 7 mỏ, phần lớn chưa hoàn thành phục hồi môi trường, nên khi trời gió thì bụi, trời mưa thì đất đá chảy xuống lấp ruộng đồng của người dân.
Còn tại phường Hòa Khánh Nam, tuyến đường Trần Đức hư hỏng nặng do phương tiện cơ giới hoạt động quá tải, chở đá từ các mỏ khai thác khoáng sản. Người dân tại khu vực liên tục phản ánh tình trạng bụi bặm vào mùa hè và ngập úng vào mùa mưa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Để sửa chữa tuyến đường này, cần số tiền trên 2 tỷ đồng, vì vậy, phường Hoà Khánh Nam đã mời các công ty tham gia lưu thông thường xuyên trên tuyến đường họp đóng góp kinh phí sửa chữa, nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp đồng ý đóng góp, những doanh nghiệp còn lại sau khi đã hoàn tất việc khai thác mỏ thì viện lý do khó khăn, nên không đóng góp kinh phí, phớt lờ nghĩa vụ.
Theo văn bản giám sát, kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án đóng cửa mỏ được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt năm 2022, Sở TN&MT Đà Nẵng đã chỉ rõ thực trạng phục hồi môi trường, sau khi kiểm tra 17 mỏ khoáng sản.
Theo đó, tại mỏ đá Hố Xanh (xã Hòa Nhơn) của Công ty Thạch Toàn trên diện tích 0,58 ha, đóng cửa từ năm 2016, hiện việc san lấp hố mỏ chưa đạt được độ cao theo đề án. Sở TN&MT yêu cầu khẩn trương hoàn thổ hố mỏ và trồng cây.
Tương tự, mỏ đất đồi tại thôn Tân An (xã Hòa Phong) của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 có diện tích 5 ha, đóng cửa mỏ từ năm 2018. Đơn vị này đã trồng cây, tuy nhiên cây chậm phát triển. Phần diện tích phía Nam mỏ chưa được cải tạo, trồng cây.
Hay mỏ đất đồi tại thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn) của Công ty Sơn Hải trên diện tích 5,1 ha, đóng cửa từ năm 2014. Công ty đã san gạt, trồng cây trên diện tích mỏ, nhưng còn một số vị trí trên đỉnh khu vực khai thác và sườn đồi, cây trồng kém phát triển do thiếu lớp đất màu. Sở TN&MT yêu cầu đơn vị này đào hố, đổ đất màu và phân để trồng cây các vị trí trên đỉnh khu vực khai thác và sườn đồi thoải đang có tỷ lệ cây sống và phát triển kém…
Có thể thấy, dù đã dừng khai thác, đóng cửa mỏ nhiều năm, song quá trình phục hồi môi trường tại các mỏ khoáng sản ở Đà Nẵng vẫn chưa hoàn thành. Sở TN&MT Đà Nẵng khẳng định, quá trình phục hồi môi trường luôn được giám sát, khi nào cây xanh được phủ, đạt yêu cầu mới nghiệm thu, bàn giao cho địa phương. Song với việc tầng đất phủ đã bị bóc đi trong quá trình khai thác, việc phục hồi môi trường tại các mỏ khoáng sản không thể sớm như mong muốn của người dân.