Giá vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép tăng cao, khiến tiến độ các công trình bị ảnh hưởng. |
Lo ngại
Kể từ đầu năm 2021, thị trường chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép. Ước tính, giá thép hiện nay tăng khoảng 45% so với hồi đầu năm và gần gấp rưỡi so với quý III/2020. Cá biệt, có đơn vị điều chỉnh tăng giá đến 6 lần trong vòng 10 ngày. Trong khi đó, giá xi măng cũng tăng 30.000 - 50.000 đồng/tấn, giá cát tăng gần gấp 2 lần.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lim Hua Tiong, Tổng giám đốc Công ty Frasers Property Việt Nam cho rằng, giá nguyên vật liệu ngày càng tăng là tác nhân ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của các dự án bất động sản.
“Giá đất tăng và việc phê duyệt dự án bị trì hoãn là một vấn đề lớn của thị trường bất động sản hiện nay. Giờ lại thêm giá vật liệu tăng phi mã, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của dự án, kế hoạch phát triển, trong trường hợp xấu nhất là sự chậm trễ trong xây dựng và giao dự án”, ông Lim Hua Tiong nói.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cũng cho rằng, việc tăng giá vật liệu xây dựng chắc chắn sẽ tác động đến các dự án bất động sản đang triển khai và ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu, chủ đầu tư.
“Khi chi phí tăng cao, lợi nhuận kỳ vọng ban đầu sẽ giảm xuống. Đối mặt với tình trạng này, một số dự án có thể sẽ bị thi công cầm chừng, hoặc phải đàm phán lại giữa chủ đầu tư và nhà thầu”, ông Hoàng phân tích.
Cũng theo ông Hoàng, nhiều dự án có thể tạm dừng chờ giá nguyên vật liệu giảm xuống để qua đợt khó khăn này. Việc tạm dừng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng dự án và chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến những người mua nhà hình thành trong tương lai.
Theo ông Lim Hua Tiong, thép, bê tông, gạch và kính là những vật liệu xây dựng thiết yếu trong thi công dự án bất động sản. Giá vật liệu xây dựng ở Việt Nam tăng từ 4 đến 5% hàng năm do lạm phát, với việc giá thép tăng đột biến gần đây đã tạo ra áp lực ngay lập tức lên chi phí xây dựng tổng thể.
Nhìn chung, việc chậm tiến độ sẽ siết chặt dòng tiền của các nhà thầu chính. Các nhà thầu không có đủ dự trữ tiền mặt sẽ gặp thách thức trong việc mua nguyên vật liệu để phục vụ tiến độ xây dựng dự án.
Giám đốc điều hành một công ty phát triển bất động sản (xin giấu tên) cũng bày tỏ lo ngại về những khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng cao từ đầu năm đến nay.
“Chúng tôi đang đàm phán với các nhà thầu của mình nhằm tìm ra cách phù hợp nhất giải quyết vấn đề này, nhưng đây thực sự là một thử thách không dễ vượt qua. Đối với các dự án đang xây dựng, chủ đầu tư đã ấn định tỷ suất vốn đầu tư và giá bán, nhưng giá nguyên vật liệu tăng cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Chúng tôi phải lên phương án chủ động để đối phó với tình trạng này để làm sao đảm bảo cả tiến độ và chất lượng công trình ”, vị này nói.
Giá bán nhà có thể phải điều chỉnh
Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng và nguồn cung sản phẩm hạn chế, dự báo giá bất động sản sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng cho biết, đối với các dự án chưa mở bán hoặc chưa bắt đầu xây dựng, chủ đầu tư vẫn có đủ thời gian để điều chỉnh giá bán.
“Giá thép và vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến tăng chi phí và làm giảm lợi nhuận của các chủ đầu tư. Do đó, một số chủ đầu tư sẽ tìm giải pháp khác cho vật liệu xây dựng với chi phí thấp hơn hoặc kéo dài thời gian xây dựng, chờ giá giảm. Tuy nhiên, việc dãn tiến độ này sẽ làm giảm nguồn cung của thị trường trong thời gian từ nay đến cuối năm”, ông Hoàng nhận định.
Theo Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá căn hộ chung cư đã tăng 4 - 6% trong thời gian gần đây. Với tình hình giá vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay, dự báo giá sản phẩm sẽ tăng từ 10 đến 15% trong thời gian tới.
Ông Lim Hua Tiong hy vọng rằng, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục tập trung để thiết lập các quy trình phê duyệt minh bạch hơn cho các dự án.
“Các nhà đầu tư và nhà phát triển cần sử dụng chuyên môn và kinh nghiệm của mình để lập kế hoạch phát triển, quản lý dự án và phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu của họ để đảm bảo dự án được triển khai kịp thời. Điều quan trọng đối với các nhà phát triển là phải có một bảng cân đối kế toán mạnh mẽ và dự trữ tiền mặt để vượt qua bất kỳ cú sốc kinh tế hoặc điều kiện thị trường bất lợi nào”, ông Lim Hua Tiong bày tỏ.
Tương tự, các chuyên gia DKRA Việt Nam cũng cho rằng, chủ đầu tư cần phải sử dụng nguồn ngân sách dự phòng kịp thời và đúng hạng mục, đa dạng các nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, tìm kiếm thêm nguồn vật liệu thay thế phù hợp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, chủ đầu tư và nhà thầu cần phải ngồi lại thảo luận với nhau để có được giải pháp tốt nhất, dung hòa giữa lợi ích các bên.