Một số bãi rác ở tỉnh Kon Tum không được xử lý, mà đốt “lộ thiên” . Ảnh: K.N |
Bản hợp đồng nguyên tắc lạ lùng
Gói thầu số 2 do UBND TP. Kon Tum làm chủ đầu tư. Sau đó, cơ quan này ủy quyền chủ đầu tư cho Phòng Quản lý đô thị TP. Kon Tum, để thực hiện đấu thầu trong năm 2021.
Đây là gói thầu có liên quan nhiều đến môi trường, việc quản lý chất thải và phế liệu đòi hỏi phải có sự am hiểu về lĩnh vực môi trường và quản lý chất thải, phế liệu, nhưng theo Thanh tra tỉnh, Tổ chuyên gia lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu và thẩm định các hồ sơ này chỉ có trình độ chuyên môn là kỹ sư cầu đường, kỹ sư xây dựng dân dụng. “Trách nhiệm này thuộc về đơn vị được ủy quyền làm chủ đầu tư là Phòng Quản lý đô thị TP. Kon Tum”, Thanh tra tỉnh Kon Tum kết luận.
Thanh tra tỉnh Kon Tum cho rằng, trong quá trình đánh giá hồ sơ mời thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn chưa làm rõ cơ sở pháp lý trong việc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum thuê tài sản gắn liền với đất thuê, trả tiền thuê đất hàng năm của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường DH là chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Qua kiểm tra hồ sơ cho thấy, Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đăk Hà chưa được đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và giấy đăng ký doanh nghiệp không có ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Do đó, việc Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường DH ký Hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum cho thuê nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt là chưa đảm bảo các quy định của pháp luật.
Tại Báo cáo số 412 (ngày 10/6/2021) của UBND TP. Kon Tum về việc làm rõ một số nội dung theo đề nghị của Đoàn thanh tra Thanh tra tỉnh Kon Tum, UBND TP. Kon Tum thừa nhận việc Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường DH ký Hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum (về việc cho thuê nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt) là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.
Thanh tra tỉnh Kon Tum nhận thấy, việc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum thuê Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đăk Hà của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường DH là thuê vận hành toàn bộ dây chuyền, thiết bị xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ lò đốt tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đăk Hà, nhưng không được các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư phát hiện để điều chỉnh cho phù hợp và đảm bảo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn không đưa ra các điều kiện cụ thể trong trường hợp nhà thầu thuê nhà máy để tham gia dự thầu là chưa tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
Đánh giá tác động môi trường một đằng, hợp đồng ký một nẻo
Theo quy định, khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư, người có thẩm quyền, hội đồng tư vấn theo địa chỉ quy định tại Bảng dữ liệu đấu thầu.
Tuy nhiên, qua kiểm tra tại Bảng dữ liệu đấu thầu, việc địa chỉ nhận đơn kiến nghị là chủ đầu tư, người có thẩm quyền và bộ phận giúp việc thường trực Hội đồng Tư vấn đều là Phòng Quản lý đô thị TP. Kon Tum là chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 92, Luật Đấu thầu số 43 (ngày 26/11/2013) và Mục 2, Chương XII, Nghị định số 63 (ngày 26/6/2015).
Về tình hình xử lý rác tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đăk Hà, Thanh tra tỉnh Kon Tum nhận thấy, việc ký hợp đồng và xử lý rác thải với tổng khối lượng xử lý bình quân vượt so với công suất xử lý rác thải của nhà máy trong quý I/2021 là không phù hợp theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt, chưa đúng theo quyết định phê duyệt chủ trương của dự án đầu tư được duyệt. “Trách nhiệm này thuộc về Công ty cổ phần Môi trường đô thị và Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường DH”, Thanh tra tỉnh Kon Tum nêu rõ.
Cả 2 công ty này bị Thanh tra tỉnh Kon Tum yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra sai sót khi ký Hợp đồng nguyên tắc thuê nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt có nội dung chưa phù hợp quy định của pháp luật; việc ký hợp đồng xử lý rác thải trong quý I/2021 vượt quá công suất theo quyết định phê duyệt chủ trương và Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
“Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường DH phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; đồng thời, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong việc thực hiện trách nhiệm của chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Công ty này có trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum trong quá trình thực hiện hợp đồng cho thuê vận hành dây chuyền, thiết bị lò đốt rác tại Nhà máy, phải bảo đảm hệ thống, thiết bị xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại điểm C, Phụ lục II, Mục III (ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, ngày 13/5/2019 của Chính phủ)”, Thanh tra tỉnh Kon Tum yêu cầu.